Pages

HOME

11/19/2016

Hành vi thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ trong quy định của pháp luật cạnh tranh

Thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp của hàng hóa, cung ứng dịch vụ là một trong những hành vi hạn chế cạnh tranh theo quy định tại khoản 02 Điều 8 Luật Cạnh tranh 2010. Thỏa thuận phân chia thị trường có thể hiểu là “thỏa thuận giữa các doanh nghiệp nhằm phân chia địa bàn, nguồn cung cấp đầu vào, phân chia nhóm khách hàng nhằm hạn chế sự cạnh tranh lẫn nhau” (Trang 8, Hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh - Sổ tay thỏa thuận cạnh tranh, Quyển 1, Cục Quản Lý Cạnh Tranh).
Theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 116/2005/NĐ-CP quy định về hai hành vi thuộc nhóm hành vi thỏa thuận phân chia thị trường là thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụthỏa thuận phân chia nguồn cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Theo đó, thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ là việc thống nhất về số lượng hàng hóa, dịch vụ; địa điểm mua, bán hàng hóa, dịch vụ; nhóm khách hàng đối với mỗi bên tham gia thỏa thuận. Thỏa thuận phân chia nguồn cung cấp hàng hóa, dịch vụ là việc thống nhất việc phân chia thị trường nguyên liệu, theo đó mỗi bên tham gia thỏa thuận chỉ được mua hàng hóa, dịch vụ từ một hoặc một số nguồn cung cấp nhất định.
Biểu hiện của nhóm thỏa thuận phân chia thị trường là trong một vùng thị trường đã thỏa thuận sẽ chỉ có những doanh nghiệp đã tham gia thỏa thuận đảm nhận thực hiện hoạt động kinh doanh và các doanh nghiệp đã tham gia thỏa thuận có cơ hội độc quyền trong vùng thị trường đã thỏa thuận. Đây bị coi là hành vi nhằm hạn chế cạnh tranh và bị kiểm soát do có thể gây ra nhiệu hệ quả nghiêm trọng. Thứ nhất, việc phân chia vùng thị trường dẫn tới việc các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận có cơ hội “tung hoành” trên thị trường bằng những điều khoản bất lợi cho khách hàng. Thứ hai, quyền lựa chọn của khách hàng bị hạn chế không phải do cơ cấu vốn có của thị trường mà là kết quả của những toan tính mang tính chiến lược của những doanh nghiệp đang hoạt động.
Vụ việc thực tế: Năm 2005, cơ quan cạnh tranh Pháp đã tuyên phạt ba nhà cung cấp mạng di động lớn nhất của Pháp là SFR,  Orange và Bouygues Télécom vì hai hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh:
(1) trong suốt 6 năm từ 1997 đến 2003 ba công ty này đã trao đổi cho nhau về các thuê bao  mới và các thuê bao đã thôi không sử dụng mạng của mình; và
(2) từ năm 2000-2002, ba công ty này đã thỏa thuận giữ nguyên thị phần (thực chất là phân chia thị trường, hạn chế cạnh tranh lẫn nhau).
 
 
Blogger Templates