Khoản 3 Điều 8 Luật Cạnh tranh 2010 quy định thỏa
thuận hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua bán hàng hóa,
cung ứng dịch vụ là một trong những hành vi
thỏa thuận hạn chế cạnh tranh.
Đây
là thỏa thuận giữa các doanh nghiệp về việc kiểm soát, hạn chế nguồn cung, tạo sự khan hiếm giả trên thị
trường. Theo quy định tại Điều 16 Nghị Định 116/2005/NĐ-CP, nhóm các thỏa thuận
này được phân thành hai dạng:
Thoả thuận
hạn chế: bản chất của hành vi này là giảm nguồn cung so với thời gian trước khi
thỏa thuận. Đó là việc thống nhất cắt,
giảm số lượng, khối lượng sản xuất, mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ trên thị
trường liên quan so với trước đó. Cấu thành pháp lý của dạng thỏa thuận này có
2 dấu hiệu: thứ nhất, có sự thống nhất ý chí
giữa các doanh nghiệp tham gia; thứ hai, các doanh nghiệp đồng thuận
cùng nhau cắt, giảm số lượng khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hóa, cung ứng
dịch vụ so với trước đó.
Thoả thuận
kiểm soát: bản chất của thỏa thuận là hạn chế nguồn cung hàng hóa ra thị trường
ở mức thấp thông qua việc thống nhất ấn
định số lượng, khối lượng sản xuất, mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ ở mức đủ
để tạo sự khan hiếm trên thị trường. Ở thỏa thuận này cấu thành pháp lý gồm 3
yếu tố cơ bản: (i) có sự thống nhất ý chí giữa các doanh nghiệp tham gia; (ii) các
doanh nghiệp ấn định lượng hàng hóa, dịch vụ mà mỗi doanh nghiệp được sản xuất,
mua bán hoặc cung ứng; (iii) lượng hàng hóa dịch vụ được ấn định ở mức đủ tạo
khan hiếm trên thị trường. Như vậy, với dạng thỏa thuận này thì cơ quan có thẩm
quyền khi điều tra phải xác định được tác động hoặc khả năng tác động đến nguồn
cung cầu của thị trường.
Nói một
cách cụ thể hơn, nhóm thỏa thuận này thực chất là những toan tính tác động trực
tiếp đến sự cân bằng cung - cầu của thị trường bằng cách tạo ra sự khan hiếm
giả tạo hàng hóa, dịch vụ mà các doanh nghiệp đang kinh doanh, từ đó giá hàng
hóa, dịch vụ bị đẩy lên cao. Hệ quả của nó gây lãng phí nghiêm trọng các nguồn
lực xã hội vì đã chủ động hạn chế nguồn cung trong khi có khả năng đáp ứng qua
đó trực tiếp bóc lột túi tiền người tiêu dùng, buộc họ mua hàng với giá đắt đỏ.