Pages

HOME

11/19/2016

THỜI GIỜ LÀM VIỆC VÀ NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ NGHỈ LỄ CÓ HƯỞNG LƯƠNG


1.      Thời giờ làm việc

Bộ luật Lao động 2012 (BLLĐ) quy định thời giờ làm việc gồm thời giờ làm việc bình thường và thời giờ làm thêm.
Về thời giờ làm việc bình thường, Điều 104 BLLĐ quy định cụ thể thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và 48 giờ trong 01 tuần. Người sử dụng lao động có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần, trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày, nhưng không quá 48 giờ trong 01 tuần. Đối với những người làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì thời giờ làm việc không quá 06 giờ trong 01 ngày. Trong trường hợp người lao động làm việc ban đêm, Điều 105 BLLĐ quy định giờ làm việc ban đêm được đính từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau.

Về thời giờ làm thêm, khoản 01 Điều 106 BLLĐ quy định về thời giờ làm thêm là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc theo nội quy lao động của công ty. Điều 106 BLLĐ cũng quy định Công ty chỉ được áp dụng thời giờ làm thêm khi đáp ứng được các điều kiện nhất định. Cụ thể:

Điều 106. Làm thêm giờ
[…] 2. Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
a) Được sự đồng ý của người lao động;
b) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm;
c) Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ.”

Ngoài ra, Điều 107 BLLĐ cũng quy định người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động làm thêm giờ vào bất kỳ ngày nào và người lao động không được từ chối trong các trường hợp như thực hiện lệnh động viên, huy động bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật; thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa và khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh và thảm họa.

2.      Quy định về những ngày nghỉ lễ có hưởng lương

Theo quy định tại khoản 02 Điều 115 BLLĐ, người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam được nghỉ làm việc và hưởng nguyên lương như người lao động Việt Nam. Theo đó người lao động được nghỉ làm việc và hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết theo quy định tại khoản 01, khoản 03 Điều 115 BLLĐ, cụ thể:
Điều 115. Nghỉ lễ, tết
1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
a) Tết Dương lịch 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
b) Tết Âm lịch 05 ngày;
c) Ngày Chiến thắng 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
d) Ngày Quốc tế lao động 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
đ) Ngày Quốc khánh 01 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch);
e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
[..] 3. Nếu những ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này trùng vào ngày nghỉ hằng tuần, thì người lao động được nghỉ bù vào ngày kế tiếp”.

Ngoài ra, khoản 02 Điều 115 BLLĐ cũng quy định người  lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài ngày nghỉ lễ theo các quy định nêu trên còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.

Lưu ý đối với thời gian nghỉ Tết Âm lịch theo quy định nêu trên, Điều 8 Nghị định 45/2013/NĐ-CP quy định người sử dụng lao động lựa chọn 01 ngày cuối năm và 04 ngày đầu năm âm lịch hoặc 02 ngày cuối năm và 03 ngày đầu năm âm lịch. Người sử dụng lao động có trách nhiệm thông báo phương án nghỉ Tết Âm lịch cho người lao động trước khi thực hiện ít nhất 30 ngày.

Về tiền lương trả cho người lao động trong ngày nghỉ lễ, tết, khoản 02 Điều 26 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định tiền lương làm căn cứ để trả cho người lao động trong ngày nghỉ lễ, tết tại Điều 115 BLLĐ là tiền lương ghi trong hợp đồng lao động của tháng trước liền kề, chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của người sử dụng lao động, nhân với số ngày người lao động nghỉ hằng năm, nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc, nghỉ lễ, tết, nghỉ việc riêng có hưởng lương.


 
 
Blogger Templates