Pages

HOME

10/07/2013

KỸ NĂNG MỀM CẦN THIẾT CHO SINH VIÊN LUẬT


Nghề luật là một nghề khó vì vậy con đường để thành công với nghề không hề dễ dàng. Ngoài sự đam mê thì thành công trong nghề này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó yếu tố đóng vai trò quan trọng hơn cả là kỹ năng hành nghề chuyên nghiệp. Riêng với các bạn sinh viên luật khi vẫn ngày ngày ngồi trên ghế nhà trường và chưa được tiếp xúc nhiều với công việc thực tế thì việc chuẩn bị cho mình một số kỹ năng mềm trước khi bước chân vào con đường hành nghề chuyên nghiệp là vô cùng cần thiết.

Nếu bạn đang là sinh viên và cho dù bạn quyết định chọn cho mình con đường nào, luật sư, thẩm phán, kiểm sát viên? hay công chứng viên, nhà báo, công an, thừa phát lại.v.v..? thì ngoài đam mê, bạn phải trang bị cho mình về kỹ năng thật tốt.
Hiện nay, rất dễ để biết được tiêu chí tuyển dụng của một số công việc như pháp chế doanh nghiệp, chuyên viên tư vấn pháp luật hay luật sư. Đọc qua vài tin tuyển dụng bạn sẽ thấy nhan nhản các yêu cầu của nhà tuyển dụng như: nắm vững kiến thức pháp lý (thể hiện qua bảng điểm học tập đạt loại khá trở lên); sử dụng thành thạo (nghe, nói, đọc, viết) ít nhất một ngoại ngữ; khả năng tin học tốt (word, excel, power point, thậm chí là photoshop, proshow gold…). Những yêu cầu trên đây có thể đủ để bạn có được một công việc tốt, nhưng để thành công trong nghề nghiệp thì bạn phải trang bị cho mình những kỹ năng mềm khác nữa.
Thứ nhất, kỹ năng giao tiếp
Rất ít sinh viên biết rằng doanh nghiệp chỉ dành một phần nhỏ, khoảng 25% quan tâm đến bằng cấp, trường học của ứng viên. Họ chú trọng nhiều đến khả năng giao tiếp và thái độ của ứng viên đó như thế nào. Nhưng xử sự trong các mối quan hệ của sinh viên luật ra trường hiện nay rất yếu. Doanh nghiệp luôn dành đến hơn 40% sự quan tâm đến kỹ năng giao tiếp, thái độ của ứng viên để cân nhắc quyết định tuyển dụng. Sinh viên giao tiếp yếu kém thông qua khâu trình bày trong hồ sơ xin việc, qua trao đổi trò chuyện trong buổi phỏng vấn. Khi kỹ năng giao tiếp của ứng viên yếu, họ  đánh mất đi nhiều cơ hội.
Chưa nói đến ngoại ngữ, giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ đã là một lợi thế mà không nhiều sinh viên ra trường có được. Các bạn sinh viên làm thêm nhiều, hoạt động phong trào đoàn hội nhiều nhưng do giao tiếp kém nên không nói lên được những trải nghiệm đó với nhà tuyển dụng. Thậm chí có nhiều bạn sinh viên may mắn được tuyển dụng, nhưng vì bản tính thụ động, giao tiếp kém mà không thể hòa nhập và thích nghi với môi trường làm việc.
Muốn giao tiếp tốt các bạn sinh viên phải dám hỏi, dám thể hiện và dám nói lên ý kiến của mình. Để có cơ sở cho hoạt động giao tiếp, các bạn phải thu thập vốn kiến thức xã hội, kiến thức đời sống phong phú. Đối với những bạn lên mạng hàng ngày, hàng giờ nhưng chỉ chăm chăm chát chít, xem phim hay đọc những thông tin vô bổ thì không những không trang bị được kiến thức mà còn ảnh hưởng đến kết quả học tập và sức khỏe của bản thân.
Thứ hai, kỹ năng tra cứu thông tin
Mỗi người phải tự cân nhắc khi lựa chọn những nguồn thông tin để phục vụ cho công việc và cuộc sống. Pháp luật là một lĩnh vực rộng, bất cứ công việc nào liên quan đến nó đều đòi hỏi kỹ năng tìm kiếm, tiếp cận và khai thác thông tin một cách triệt để.
Để phục vụ việc học tập, sinh viên cần biết được nguồn tài liệu nào là cần thiết có thể giúp mình học tốt, đi sâu nắm vững kiến thức của môn học đó. Ngoài giáo trình, sách tham khảo và các văn bản pháp luật thì các bạn phải hình thành thói quen theo dõi các kênh báo chí pháp lý (báo giấy, báo mạng) để biết và hiểu rõ hơn về thực tiễn pháp lý trong đời sống xã hội. Cần so sánh, đối chiếu với các quy định pháp luật để tìm ra câu trả lời xác đáng cho vấn đề cần tìm hiểu.
Thói quen lưu trữ, sắp xếp nguồn thông tin, tài liệu một cách có hệ thống sẽ giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều thời gian khi muốn tra cứu bất cứ vấn đề gì. Việc sử dụng máy tính để lưu trữ tài liệu sẽ thuận tiện hơn khi tìm kiếm và tra cứu. Đối với những tài liệu bằng giấy, có thể scan hoặc chụp hình để làm thành file mềm đưa vào lưu trữ. Bạn sẽ thấy mình trở nên giỏi giang hơn, “giàu có” hơn khi sở hữu tài sản là một hệ thống thông tin tài liệu phong phú và đa dạng. Khi bước vào môi trường làm việc, kỹ năng tra cứu thông tin nhanh nhạy và chính xác chắc chắn sẽ hỗ trợ bạn rất nhiều khi thực hiện và hoàn thành các công việc.
Thứ ba, kỹ năng xử lý thông tin và tình huống
Một nguồn thông tin có ích sẽ phát huy hiệu quả tối đa nếu biết cách xử lý đúng phương pháp. Do đó, kỹ năng này góp phần nhiều nói lên sự chuyên nghiệp và năng lực của một người hành nghề luật. Trong một xã hội toàn cầu hóa, các quan hệ xã hội không ngừng phát triển làm nảy sinh các quan hệ pháp luật mới. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cũng từ đó mà có sự dịch chuyển theo. Người hành nghề luật phải cập nhật thường xuyên và xử lý các thông tin mới. Việc thu nhận và xử lý thông tin đòi hỏi sự tập trung và khả năng phân tích nhạy bén để hiểu đúng và vận dụng tốt. Từ khả năng xử lý thông tin tốt, bạn có thể tự tin khi áp dụng trong xử lý các tình huống thực tiễn, góp phần nhiều cho kết quả công việc đạt được.
Thứ tư, bản lĩnh và lập trường kiên định
Nếu bạn có căn cứ khẳng định được quan điểm của bạn là đúng đắn thì đừng ngần ngại đấu tranh để bảo vệ nó. Nghề luật luôn đầy rẫy cám dỗ, lằn ranh giữa đúng và sai như một đường chỉ mỏng manh. Người hành nghề luật chính là đạp lên lằn chỉ ấy mà đi tới, một phút yếu lòng có thể đẩy bạn đi sai đường và trả giá đắt. Thực tiễn đã có không ít người bỏ mình trên con đường ấy, suy cho cùng cũng chỉ vì những tham vọng vật chất tầm thường.
Trong mối quan hệ giữa người - người nói chung và mối quan hệ giữa luật sư – khách hàng nói riêng thì uy tín là thứ tài sản còn cao hơn cả vật chất và tiền bạc mà có nhiều người dành cả đời để theo đuổi. Sống có đạo đức và làm việc có lương tâm sẽ khiến bạn luôn được tin tưởng. Đối với nghề luật sư, nhiều khách hàng không ngần ngại móc hầu bao trả thù lao cho bạn chỉ vì một lý do đơn giản, là họ tin tưởng tuyệt đối ở bạn.

Kết, thành công là điều mà rất rất nhiều người nghĩ tới nhưng lại rất ít người hiện thực hóa được. Cuộc sống luôn biến đổi, mỗi cá nhân phải tìm cách thích nghi để tồn tại và phát triển. Để có thể sớm thích nghi được với môi trường thực tiễn khắc nghiệt, trước khi ra trường mỗi sinh viên phải tự tìm cách rèn giũa và trang bị các kỹ năng cần thiết cho mình.

Xem thêm:  Kỹ năng nghe của Luật sư
                     Kỹ năng soạn thảo ý kiến pháp lý (thư tư vấn)
                     Kỹ năng viết email chuyên nghiệp



 
 
Blogger Templates