1. Thuốc lá là gì?
Thuốc lá là một loại cây có độc, nhất là những lá già, có hàm
lượng nicotin (gây nghiện và rất độc) cao. Người ta đã thấy người lớn chết do
dùng khoảng 15 – 20gr thuốc lá dưới dạng chất nước. Trẻ con chỉ cần uống một
vài gram sẽ tử vong.
Hoạt chất chủ yếu của thuốc lá hoặc thuốc lào là Nicotin, một
loại Alcaloid. Nicotin là tên gọi được đặt theo tên một nhà ngoại giao người
Pháp Nicot (1530 -1600), người đầu tiên nhập thuốc lá vào Pháp. Hàm lượng
Nicotin trong các loại thuốc này thay đổi từ 2 – 10% . Một số loại thuốc lào có
thể chứa đến 16% Nicotin. Nicotin được sử dụng ở liều thấp sẽ tạo ra sự sảng
khoái nhẹ nhàng, làm dịu cơn đói và bớt mệt mỏi, tuy nhiên nếu dùng lâu dài sẽ
gây lệ thuộc và độc hại cho cơ thể, liều cao có thể gây chết người.
2. Những chất độc hại
trong khói thuốc
Người ta phân biệt ra hai nguồn khói thuốc: khói thuốc chính
và khói thuốc phụ. Khói thuốc chính do người hút hít vào, thở ra có chứa hơn
7000 chất khác nhau gồm những chất như Nicotin (gây nghiện và rất độc); Cacbon
monoxide (ngăn cản sự vận chuyển oxy trong máu, có thể làm trầm trọng bệnh suy
hô hấp); các chất kích thích khác (Aldehyd, acid, phenol,…) gây viêm phế quản mạng,
gây rối loạn thông khí và nguy hiểm nhất là các chất gây ung thư…Khói thuốc phụ
là khói thuốc tỏa ra ở đầu điếu thuốc để cháy tự nhiên khi không hút và thành
phần chất độc chứa trong khói thuốc phụ cũng tương tự như khói thuốc chính
nhưng cao hơn rất nhiều lần vì vậy nó rất nguy hiểm cho người hút, đặc biệt là
những người ngửi phải khói thuốc lá. Chính vì vậy, khi hút thuốc lá nguy cơ mắc
những bệnh lý liên quan cao hơn người bình thường gấp nhiều lần.
3. Thực trạng nhận thức hiện
nay về tác hại của thuốc lá
Tình hình nghiện thuốc lá hiện nay. Theo một thống kê gần
đây của Tổ chức Sức khỏe thế giới, trung bình một ngày trên thế giới có 10.000
người chết do sử dụng thuốc lá, tương đương với 10 máy bay loại lớn chở khách bị
tai nạn mỗi ngày. Tại VN, hơn 50% nam giới và 3,4% nữ giới hút thuốc lá, chiếm
tỉ lệ cao nhất châu Á. Đa số người hút thuốc còn mơ hồ, không hiểu rõ về những
mối nguy cơ sức khỏe mà thuốc lá có thể gây ra. Họ chỉ hiểu chung chung theo kiểu
thuốc lá là nguy hại. Rất nhiều người được hỏi chỉ trả lời hút thuốc lá chỉ
liên quan đến bệnh ung thư phổi mà không kể tên được những bệnh khác. Họ cũng
không biết rằng, hút thuốc cũng gây bệnh tim mạch, đột quỵ và nhiều căn bệnh
khác, bao gồm nhiều dạng ung thư khác. Một nghiên cứu về cảnh báo sức khỏe
(CBSK) bằng hình cảnh trên vỏ bao thuốc lá ở Việt Nam do Trung tâm nghiên cứu
và trợ giúp phát triển cộng đồng (CDS) thực hiện năm 2011 cho thấy, có tới 60%
đối tượng tham gia nghiên cứu không để ý tới CBSK bằng chữ “Hút thuốc lá có thể
gây ung thư phổi”; “Hút thuốc lá có thể gây bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính” trên
bao thuốc. Trong số đó có 40 % cảm thấy không sợ/xem thường mức độ gây sợ hãi của
CBSK.
4. Những tác hại thực tế của
thuốc lá
Tác hại đến sức khỏe: Khói thuốc lá chứa hơn 7.000 chất
hóa học, trong đó có 69 chất gây ung thư, gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm khác
nhau như ung thư phổi, bệnh tim mạch, phổi tắc nghẽn, vô sinh và gây nên cái chết
của 40.000 người Việt Nam mỗi năm.
Tác hại đến vẻ thẩm mĩ: Ngoài những tác động ẩn sâu
trong cơ thể, hút thuốc lá cũng gây nên việc biến đổi da, răng, tóc và những bộ
phận khác của cơ thể để tạo ra vẻ ngoài già hơn so với tuổi thực. Cụ thể, vàng
răng là một trong những tác động điển hình của việc hút thuốc lá lâu, những người
này có xu hướng mắc các bệnh về nướu răng, hơi thở hôi và các vấn đề vệ sinh
răng miệng khác. Người hút thuốc còn có nguy cơ mất răng cao gấp 2 lần so với
người bình thường. Các nhà nghiên cứu ở Đài Loan cũng đã xác định được rằng hút
thuốc là như là một yếu tố nguy cơ rõ ràng gây hói đầu ở đàn ông châu Á, vì con
người có xu hướng bị thưa mỏng tóc hơn khi có tuổi và việc hút thuốc lá làm
tăng tốc quá trình này. (Bạn hãy thử nghĩ mà xem, liệu có cô gái nào
thích một chàng trai bị hôi miệng, bị vàng răng và có một người phụ nữ
nào thích một đấng ông chồng bị hói đầu khi có tuổi hay không?) Thậm chí đôi mắt
cũng dễ bị tổn thương khi tiếp xúc với khói thuốc lá vì nó làm tăng nguy cơ bị
đục thủy tinh thể khi lớn tuổi. Bên cạnh đó, hút thuốc lá còn gây nên các vấn đề
về xương, rối loạn tình dục và các vấn đề về sinh sản của con người.
Đến kinh tế cá nhân, gia đình: Người hút thuốc lá sẽ
tiêu phí một khoản tiền kha khá lớn để mua thuốc lá, làm ảnh hưởng đến thu nhập
của gia đình. Đặc biệt ở những gia đình kinh tế khó khăn. Hút thuốc lá lâu năm
có thể gây ra những bệnh lý nguy hiểm như đã nêu ở trên, chi phí để chăm sóc y
tế cho chính bản thân người hút và người bị hút thuốc lá thụ động trong gia
đình là rất lớn, có gia đình không chịu đựng nổi (chưa nói đến những bệnh nan y
như ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính,…).
Ảnh hưởng đến kinh tế quốc gia: đất canh tác dùng cho
các loại cây lương thực bị thu hẹp lại, nhường chỗ để trồng thuốc lá vì có lợi
nhuận cao hơn. Một lượng giấy khổng lồ phục vụ cho việc vấn các loại thuốc lá
và bao bì. Rác rưởi do thuốc lá cũng ảnh hưởng xấu đến môi trường sống. Chi phí
chăm sóc y tế cho những người dân hút thuốc lá và việc giảm ngày công lao động
của họ là một tổn thất lớn cho một quốc gia có nhiều người nghiện thuốc lá.
Ngoài ra, thuốc lá còn có nguy cơ gây ra những vụ hỏa hoạn dữ dội và những vụ
cháy rừng tàn phá tài nguyên quốc gia,…
5. Cách bỏ thói quen hút thuốc lá
Theo y học hiện đại: Hiện nay người ta nghiên cứu rất
nhiều phương thức điều trị nghiện thuốc lá. Phương thức thông thường được dùng
là liệu pháp thay thế nicotin. Trong một số trường hợp bệnh nhân không thể bỏ
thuốc lá bằng những phương pháp khác, thầy thuốc có thể hướng dẫn bệnh nhân
dùng liệu pháp thay thế dần dần thuốc lá bằng cách cho họ dùng một chất nào đó
có tác dụng tương tự như nicotin nhưng không gây nghiện và ít độc hại cho cơ thể.
Kẹo cao su chứa nicotin để thay thế và giảm dần, giúp cho bệnh nhân thoát khỏi
những triệu chứng do thiếu nicotin nếu nhưng hút thuốc lá đột ngột.
Theo y học cổ truyền: Các phương pháp như châm cứu, sử dụng
thuốc y học cổ truyền, tập luyện các phương pháp dưỡng sinh thiền định, yoga,
áp dụng tâm lý trị liệu có thể giúp người nghiện thoát khỏi sự lôi kéo độc hại
của khói thuốc lá.
Theo người viết, bỏ thuốc lá là chuyện có thể làm được nếu
người hút nhận thức rõ được những tác hại của chúng và có những phương pháp hình
thức cũng như biện pháp tâm lý để vượt qua những cơn thèm thuốc lá xa rời vĩnh
viễn khỏi chúng.
6. Các phương pháp
làm hạn chế số lượng người hút thuốc lá
Đưa hình ảnh trực diện: Theo WHO, để giảm tỉ lệ
người tử vong do thuốc lá, cần phải chỉ cho họ thấy những tác hại thực sự của
thuốc lá. Thay vì những dòng chữ cảnh báo đơn giản, nhỏ bé như hiện nay, các
bao thuốc lá phải thể hiện những hình ảnh gây sốc như các khối u trong phổi, tắc
nghẽn mạch máu trong não và răng bị sâu do hút thuốc. Đây là một biện pháp rất
kinh tế, ít tốn kém nhưng hiệu quả lại cao trong việc cảnh báo về những tác hại
sức khỏe do việc tiêu thụ thuốc lá gây ra. WHO cũng cho rằng việc in hình ảnh
diện tích lớn trên bao thuốc có thể giúp tránh được 500 ca tử vong (do thuốc
lá) vào năm 2023 và 750 ca vào năm 2033.
Tiếp tục đẩy mạnh vận động và tuyên truyền những tác hại của
thuốc lá. Cách này vốn đã được Nhà nước ta chú trọng thực hiện từ lâu và
bước đầu cũng đã có những kết quả tích cực rất đáng ghi nhận. Một biện pháp cần
đẩy mạnh là đưa việc giáo dục tác hại của thuốc lá vào trường học, giúp học
sinh hiểu và nhận thức rõ những nguy hại của thuốc và giúp các em có được định
hướng tốt và hành động để bảo vệ sức khỏe của mình và cả người thân trước cám dỗ
của khói thuốc lá.
Nhà nước đặt ra quy định về điều kiện sử dụng thuốc lá đối
với người sử dụng (hút khi nào, nơi nào, bao nhiêu, với ai,…)và xử lý mạnh tay
các biện pháp chế tài nếu người sử dụng vi phạm các quy định đó nhằm ngăn chặn
sự ảnh hưởng độc hại của khói thuốc đến môi trường xung quanh cũng như bản thân
người sử dụng.
Những thành viên trong gia đình đóng một vai trò rất
quan trọng trong việc giúp đỡ người thân của mình loại bỏ thói quen hút thuốc
lá độc hại, đó cũng là cách bảo vệ cho chính mình và những người thân yêu của
mình.