Pages

HOME

11/18/2016

KỸ NĂNG SOẠN THẢO Ý KIẾN PHÁP LÝ (THƯ TƯ VẤN)


Giới thiệu về ý kiến pháp lý

Ý kiến pháp lý là một dạng thư từ trao đổi giữa luật sư và khách hàng nên người ta còn gọi nó dưới cái tên khác là thư tư vấn. Ý kiến pháp lý có mục đích cung cấp thông tin và đưa ra lời khuyên cho khách hàng về những vấn đề, sự việc mang bản chất pháp lý. Có thể phân loại ý kiến pháp lý thành hai loại gồm ý kiến pháp lý không chính thức mang tính chất riêng và bảo mật của Luật sư và ý kiến pháp lý chính thức gửi khách hàng có thể được sử dụng rộng rãi.


2.      Kỹ năng soạn thảo ý kiến pháp lý

Cấu trúc một bản ý kiến pháp lý chuẩn mực và chuyên nghiệp thường bao gồm các phần sau:
-Mở đầu.
-Tóm tắt nội dung sự việc và xác định yêu cầu tư vấn.
-Liệt kê các tài liệu mà khách hàng cung cấp.
-Liệt kê các văn bản qui phạm pháp luật áp dụng hoặc các phương tiện giải thích bổ trợ.
-Đưa ra ý kiến pháp lý.
-Phần kết thúc.

2.1. Phần mở đầu

Phần này cần giới thiệu Logo của Văn phòng Luật sư, sau đó là tiêu đề, ngày tháng, họ tên, địa chỉ, số điện thoại, fax, email của người nhận. Lưu ý nếu khách hàng là tổ chức thì cần đề tên người nhận gồm tên người đại diện theo pháp luật và tên đầy đủ của tổ chức đó. Tiếp theo là lời chào và khẳng định ngắn gọn về phạm vi tư vấn. Lưu ý về vấn đề thời điểm yêu cầu tư vấn của khách hàng đối chiếu với vấn đề thời hiệu.

2.2. Tóm tắt nội dung sự việc và xác định yêu cầu tư vấn

Tóm tắt sự việc dựa trên những thông tin, tài liệu mà khách hàng cung cấp. Khi tóm tắt, cần chắt lọc để loại bỏ những chi tiết rườm rà và chỉ nêu những sự kiện có ý nghĩa pháp lý. Cách mô tả khoa học nhất là mô tả theo dòng thời gian và dòng sự kiện. Sau khi hoàn thành việc tóm tắt, Luật sư xác định các vấn đề khách hàng yêu cầu tư vấn. Yêu cầu tư vấn có thể được diễn đạt dưới dạng câu hỏi pháp lý.

2.3. Phần liệt kê các tài liệu khách hàng cung cấp 

Phần này cần liệt kê cụ thể và đầy đủ số lượng tài liệu nhận được từ khách hàng. Việc này giúp cho khách hàng thấy được luật sư đã xem xét một cách nghiêm túc, đầy đủ và toàn diện các tài liệu mà họ cung cấp. Lưu ý ghi đúng tên, số, ngày tháng của từng tài liệu và phải sắp xếp thứ tự liệt kê phù hợp. Trong trường hợp có quá nhiều tài liệu thì có thể phân nhóm để liệt kê, ví dụ: tài liệu của khách hàng, tài liệu của cơ quan nhà nước, tài liệu người liên quan…

2.4. Phần liệt kê văn bản áp dụng

Liệt kê các văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng để đưa ra ý kiến pháp lý. Ngoài các văn bản quy phạm pháp luật, cần liệt kê thêm các phương tiện giải thích bổ trợ, ví dụ: các quyết định, công văn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền…Trường hợp quá nhiều văn bản thì có thể lựa chọn phương án chú thích.

2.5. Ý kiến pháp lý

Đây là nội dung chính và quan trọng nhất của bản ý kiến pháp lý. Luật sư phải phân tích sự việc, kết luận, đưa ra khuyến nghị, giải pháp hoặc lời khuyên. Cách đưa khuyến nghị, giải pháp và lời khuyên: đưa phần kết luận trước phần lập luận, phân tích khi kết luận là rõ ràng và có lợi cho khách hàng. Khi phần kết luận tỏ ra chưa chắc chắn hoặc bất lợi cho khách hàng thì nên phân tích lập luận trước rồi mới đưa ra kết luận.

2.6. Phần kết thúc

Đưa ra nội dung bảo lưu ý kiến pháp lý và giới hạn trách nhiệm của luật sư. Ví dụ, “Ý kiến pháp lý được chúng tôi đưa ra trên cơ sở các thông tin, tài liệu và yêu cầu tư vấn của Công ty phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam. Chúng tôi không có trách nhiệm xác minh tính xác thực của các thông tin, tài liệu này và không chịu trách nhiệm trong trường hợp các thông tin, tài liệu này không đảm bảo tính đầy đủ, trung thực, chính xác.

Đưa ra nội dung về tính riêng biệt và bảo mật của ý kiến pháp lý. Ví dụ, “Ý kiến pháp lý này chỉ được gửi tới Công ty cho riêng mục đích của Công ty liên quan tới nội dung được yêu cầu tư vấn. Công ty được quyền sử dụng Ý kiến pháp lý này để làm việc với bên có liên quan trực tiếp đến vụ việc. Ngoài mục đích vừa nêu, Công ty hoặc bất kỳ bên thứ ba nào khác không được sử dụng Ý kiến pháp lý này làm căn cứ hoặc sử dụng cho mục đích khác, trừ khi được chúng tôi xem xét và có ý kiến đồng ý bằng văn bản”.

Cuối cùng là chữ ký và ghi rõ họ tên của Luật sư.

3.      Một số lưu ý chung về kỹ năng soạn thảo

Cần hình dung và lập ra dàn ý chi tiết trước khi bắt tay vào soạn thảo văn bản. Trình bày vấn đề một cách ngắn gọn, súc tích, nội dung phải đảm bảo tính chất “dài nhưng không thừa, ngắn nhưng không thiếu”. Viện dẫn đúng điều khoản cơ sở pháp lý, tên văn bản, tên của các cơ quan, tổ chức, cá nhân…Format, chỉnh sửa Font, Size, Layout, Paragraph, Alignment, Page numbercủa văn bản chuyên nghiệp. Kiểm tra lại nội dung, lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp, lỗi viết tắt, lỗi format, số trang… bằng cách phóng to chữ hoặc in văn bản ra giấy để đọc.

                       Kỹ năng nghe của Luật sư
                       Kỹ năng viết email chuyên nghiệp
 
 
Blogger Templates