Theo
quy định tại Nghị định 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015, kể từ ngày 27/12/2015
việc ký quỹ sẽ trở thành điều kiện bắt buộc đối với các nhà đầu tư khi được Nhà
nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện
dự án.
1. Các trường hợp phải ký quỹ
Trước đây,
pháp luật về đầu tư, cụ thể là Luật Đầu tư 2005 và các văn bản pháp luật liên
quan, không quy định việc ký quỹ để đảm bảo thực hiện dự án đầu tư. Đến nay,
trong Luật Đầu tư 2014 đã quy định về lĩnh vực này. Theo đó, nhà đầu tư phải ký quỹ trong trường hợp được Nhà
nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện
dự án đầu tư, trừ các trường hợp sau:
· Nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất để thực
hiện dự án đầu tư được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất
thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê;
· Nhà đầu tư trúng đấu thầu thực hiện dự án đầu tư có
sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đấu thầu;
· Nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất
trên cơ sở nhận chuyển nhượng dự án đầu tư đã thực hiện ký quỹ hoặc đã hoàn thành việc góp
vốn, huy động vốn theo tiến độ quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, văn bản quyết định chủ trương đầu tư;
· Nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để
thực hiện dự án đầu tư trên cơ sở nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với
đất của người sử dụng đất khác;
· Nhà đầu tư là đơn vị sự nghiệp có thu, công ty phát
triển khu công nghệ cao được thành lập theo quyết định của cơ quan nhà nước có
thẩm quyền thực hiện dự án đầu tư được Nhà nước giao đất,
cho thuê đất để phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu
công nghệ cao, khu chức năng trong khu kinh tế.
Việc ký quỹ được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận bằng văn
bản giữa Cơ quan đăng ký đầu tư và nhà đầu tư sau khi dự án đầu tư được quyết định chủ trương đầu tư nhưng phải trước thời điểm giao
đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; đối với dự án đầu tư
không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư thì thời điểm ký quỹ là thời điểm
giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
2. Mức ký quỹ
Mức ký quỹ được tính bằng tỷ lệ phần trăm trên vốn đầu tư của dự án đầu tư
quy định tại văn bản quyết định chủ trương đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
theo nguyên tắc lũy tiến từng phần như sau:
· Đối với phần vốn đến 300 tỷ đồng, mức ký quỹ là 3%;
· Đối với phần vốn trên 300 tỷ đồng đến 1.000 tỷ đồng, mức ký quỹ là 2%;
· Đối với phần vốn trên 1.000 tỷ đồng, mức ký quỹ là 1%.
Vốn đầu tư của dự án theo quy định trên không bao gồm
tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nộp cho nhà nước và chi phí xây dựng các công
trình công cộng thuộc dự án đầu tư. Đối với dự án đầu tư
được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trong từng giai đoạn, mức ký quỹ được tính
theo vốn đầu tư của dự án tương ứng với từng giai đoạn giao đất, cho thuê đất.
3. Tiền ký quỹ
Tiền ký quỹ được nộp vào tài khoản của Cơ quan đăng ký
đầu tư mở tại ngân hàng thương mại tại Việt Nam theo lựa chọn của nhà đầu tư.
Nhà đầu tư chịu chi phí liên quan đến việc mở, duy trì tài khoản ký quỹ và thực
hiện các giao dịch liên quan đến tài khoản ký quỹ.
Nhà đầu tư được giảm tiền ký quỹ trong các trường hợp sau:
· Giảm 25% số tiền ký quỹ đối với dự án đầu tư thuộc
ngành, nghề ưu đãi đầu tư; dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã
hội khó khăn; dự án đầu tư thực hiện trong khu công nghiệp, khu chế xuất, kể cả
dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất;
· Giảm 50% số tiền ký quỹ đối với dự án đầu tư thuộc
ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư; dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh
tế - xã hội đặc biệt khó khăn; dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư
thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; dự án đầu tư thực
hiện trong khu công nghệ cao, khu kinh tế, kể cả
dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghệ cao, khu kinh
tế.
Nhà đầu tư đã tạm ứng tiền giải phóng mặt bằng, tái định
cư được hoãn thực hiện nghĩa vụ ký quỹ tương ứng với số tiền giải phóng mặt
bằng, tái định cư đã tạm ứng.
4. Hoàn trả tiền ký quỹ
Việc hoàn
trả tiền ký quỹ được hoàn trả theo nguyên tắc:
· Hoàn trả 50% số tiền ký quỹ tại thời điểm nhà đầu
tư hoàn thành thủ tục giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng
đất và được cấp các giấy phép, chấp thuận khác theo quy định của pháp luật để
thực hiện hoạt động xây dựng (nếu có) không chậm hơn tiến độ quy định tại Giấy
chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc văn bản quyết định chủ trương đầu tư;
· Hoàn trả số tiền ký quỹ còn lại và tiền lãi phát
sinh từ khoản ký quỹ (nếu có) tại thời điểm nhà đầu tư hoàn
thành việc nghiệm thu công trình xây dựng và lắp đặt máy móc, thiết bị để dự án
đầu tư hoạt động không chậm hơn tiến độ quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký
đầu tư hoặc văn bản quyết định chủ trương đầu tư;
· Trường hợp giảm vốn đầu tư của dự án, nhà đầu tư
được hoàn trả số tiền ký quỹ tương ứng với số vốn đầu tư giảm theo quy định tại
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (điều chỉnh) hoặc văn bản quyết định điều chỉnh chủ
trương đầu tư;
· Trường hợp dự án đầu tư không thể tiếp tục thực
hiện vì lý do bất khả kháng hoặc do lỗi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính, nhà đầu tư được xem xét hoàn
trả khoản tiền ký quỹ theo thỏa thuận với Cơ quan đăng ký đầu tư.
Tiền ký quỹ nộp vào ngân sách nhà nước trừ các trường hợp trên. Trường hợp điều chỉnh dự án đầu tư làm
thay đổi các điều kiện ký quỹ, Cơ quan đăng ký đầu tư và nhà đầu tư thỏa thuận
điều chỉnh việc ký quỹ theo quy định tại Điều này.
Đây là một
điểm mới của Luật Đầu tư 2014, việc có một khoản vốn đầu tư được dùng để ký quỹ
đảm bảo thực hiện dự án sẽ tác động đến các nhà đầu tư, từ đó thúc đẩy việc
thực hiện dự án nhanh chóng và hiệu quả, tránh tình trạng dự án “để ngỏ” gây
lãng phí, thất thoát tài sản của Nhà nước. Một số ý kiến của các chuyên gia
cũng cho rằng quy định này của pháp luật nhằm làm chặt chẽ hơn hệ thống pháp
luật về đầu tư, đảm bảo các nhà đầu tư thực hiện dự án đúng tiến độ và thời
hạn, hạn chế những trường hợp có dự án mà không thực hiện như thực trạng hiện
nay.