Pages

HOME

1/31/2016

KỸ NĂNG TRA CỨU PHÁP LUẬT GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ PHÁP LÝ CỦA KHÁCH HÀNG

      Tra cứu pháp luật là một khâu cần thiết trong quá trình giải quyết các vấn đề pháp lý, không chỉ đối với luật sư mà còn quan trọng trong quá trình học tập của sinh viên, hay đơn giản là một người cần tìm hiểu các quy định pháp luật. Để tìm kiếm chính xác nguồn luật cần tìm, người tìm kiếm phải nắm rõ vấn đề pháp lý là gì, phạm vi của vấn đề đặt ra gồm các văn bản liên quan đến lĩnh vực gì và đối tượng, chủ thể cụ thể. Có thể tóm tắt các bước cơ bản như sau:


Bước 1: Đặt các câu hỏi để xác định vấn đề pháp lý mà khách hàng yêu cầu

Cần nghiên cứu phân tích yêu cầu dịch vụ của khách hàng, xem đó có phải là vấn đề pháp lý hay không. Các câu hỏi cần đặt ra để nghiên cứu, phân tích là:
-            Vấn đề pháp lý đặt ra là gì? Các khía cạnh cần lưu ý là gì? Và định hướng điều chỉnh pháp luật đối với các vấn đề pháp lý đó?
-          Khách hàng là người đã thực hiện hành hay là đối tượng bị tác động từ hành vi của người khác, cơ quan, tổ chức khác?
-                Hành vi của chủ thể đã tác động đến ai? Tác động đến quan hệ gì? Làm thay đổi quan hệ đó theo hướng nào? Tích cực hay tiêu cực?
-         Có hậu quả xảy ra hay không? Hậu quả vật chất hay hậu quả hình thức? Nếu hậu quả theo hướng tiêu cực thì tính chất, mức độ đến đâu? Thuộc lĩnh vực hình sự, hành chính hay dân sự, kinh tế?
-                Khách hành có tư cách gì khi hoặc sẽ tham gia vào quan hệ đang có vướng mắc?
-                Tư cách đó xác định cho khách hàng các quyền và nghĩa vụ gì?
-                Các vấn đề cần quan tâm để dẫn chiếu đến văn bản điều chỉnh của pháp luật?
-              Những dấu hiệu khách quan của hành vi khách hàng và mối quan hệ của nó với sự mô tả của các nhà làm luật trong phần giả định của các quy phạm pháp luật?
Cần lưu ý trường hợp có cùng một đối tượng nhưng lại có nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh tư cách, quyền hạn khác nhau và mỗi văn bản quy định  việc đáp ứng yêu cầu cho mỗi đối tượng đó khác nhau tùy theo từng lĩnh vực cụ thể.

Bước 2: Xác định các văn bản pháp luật thuộc phạm vi tra cứu và khoanh vùng các văn bản có chứa các văn bản quy phạm pháp luật cần tra cứu

Sau khi đã xác định được vấn đề pháp lý của vụ việc, cần tiến hành tìm kiếm nguồn luật để giải quyết. Cơ sở dẫn chiếu là mối quan hệ giữa các tình tiết thực tế trong vụ việc của khách hàng với phần phạm vi và đối tượng điều chỉnh trong các văn bản pháp luật, cụ thể là các yếu tố, tình tiết thuộc nội dung dự liệu của phần giả định trong các quy phạm pháp luật.
Tra cứu văn bản, xác định từ khóa quan trọng. Ví dụ: Hành chính, Dân sự, Hình sự, Thương mại, hệ thống, tập hợp,Công ước, năm có hiệu lực của văn bản, Nghị định, thông tư…
Có thể tìm nguồn của các văn bản pháp luật dựa trên các phương pháp:
Dựa trên hệ thống, tập hợp các văn bản pháp luật có sẵn dưới dạng như Công báo in; Tuyển tập các văn bản quy phạm pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ công chức cấp xã; Hệ thống văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp; Tuyển tập các văn bản pháp luật về hạ tầng kỹ thuật; Các văn bản hướng dẫn và quy định về thuế…
Tìm văn bản thông qua phương tiện internet, thông tin đại chúng, qua các trang web như thuvienphapluat.vn, vanban.chinhphu.vn, moj.gov.vn, cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố..
Một nguồn luật quan trọng nữa có thể tham khảo là các Báo cáo tổng kết của Tòa án hoặc các án lệ của Tòa. Đó là các thông tin hữu ích, có thể liên quan đến vụ án và để áp dụng tương tự vào vụ việc đang giải quyết.

Bước 3: kiểm tra, rà soát các văn bản trong nhóm văn bản đã tập hợp để xác định quy phạm, nhóm quy phạm pháp luật để điều chỉnh quan hệ khách hàng đang có vướng mắc

Tiêu chí để kiểm tra, rà soát là tính hợp pháp, hợp lý, tính thống nhất và hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật nói chung. Sau đó kiểm tra hiệu lực của từng quy phạm có liên quan đến nội dung vụ việc và quyền lợi của khách hàng nằm trong các văn bản quy phạm pháp luật. Có sáu trường hợp xảy ra:

(1)       Văn bản pháp luật để điều chỉnh vấn đề của khách hàng, đang còn hiệu lực, có chứa đựng các quy phạm pháp luật hoàn toàn có lợi cho khách hàng.
(2)        văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh vấn đề của khách hàng, đang còn hiệu lực pháp luật, có chứa đựng các quy phạm pháp luật hoàn toàn bất lợi cho khách hàng.
(3)      văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về vấn đề của khách hàng, đang còn hiệu lực pháp luật, có chứa đựng các quy phạm pháp luật hoàn toàn bất lợi cho khách hàng.
(4)       văn bản pháp luật điều chỉnh vấn đề của khách hàng, đã hết hiệu lực pháp luật một phần và chứa đựng quy phạm pháp luật còn hiệu lực pháp luật điều chỉnh vụ việc của khách hàng và có lợi cho khách hàng.
(5)       văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về vấn đề của khách hàng, đã hết hiệu lực pháp luật một phần và chứa đựng quy phạm pháp luật bất lợi cho khách hàng.
(6)      có thể văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực một phần nhưng vẫn chứa đựng các quy phạm pháp luật còn hiệu lực pháp luật điều chỉnh vụ việc của khách hàng vừa có lợi vừa bất lợi cho khách hàng.

Bước 4: Tập hợp, phân tích, nghiên cứu, xác định định hướng viện dẫn, sử dụng các quy phạm pháp luật điều chỉnh vụ việc của khách hàng theo các hướng có lợi nhất.

        Tập hợp các quy phạm pháp luật đang có hiệu lực theo thứ bậc hiệu lực để xác định số lượng, nội dung quy phạm pháp luật đang có hiệu lực điều chỉnh vấn đề của khách hàng. Phân loại các nhóm quy phạm: Nhóm điều chỉnh theo hướng có lợi cho khách hàng;  nhóm bất lợi cho khách hàng; nhóm vừa có lợi vừa bất lợi. Từ đó tìm ra văn bản và quy phạm có lợi nhất điều chỉnh vụ việc của khách hàng.

Kết luận, có thể tóm gọn kỹ năng tra cứu pháp luật để giải quyết yêu cầu của khách hàng trong bốn bước. Đó là: xác định vấn đề pháp lý của khách hàng; tra cứu và khoanh vùng nguồn luật; kiểm tra, rà soát để xác định quy phạm, nhóm quy phạm điều chỉnh quan hệ, đảm bảo các điều luật được áp dụng đang còn hiệu lực pháp luật tại thời điểm xảy ra các sự việc; liên hệ với thực tiễn để áp dụng văn bản phù hợp với yêu cầu đặt ra theo hướng đạt được lợi ích cao nhất.

 -------------
Luật gia Võ Văn Tú
Chuyên:
-       Hỗ trợ tư vấn và thực hiện các thủ tục pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, doanh nghiệp
-
       Đại diện khách hàng tham gia tranh tụng tại Tòa án, Trọng tài thương mại.
SĐT: 0906 610 061 - Email: vantu@lenguyenlawoffice.com 
Địa chỉ: VPLS Lê Nguyễn - Phòng 702, Tòa nhà Khang Thông, 67 Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1, Hcmc.
 
 
Blogger Templates