Pages

HOME

1/20/2016

NGƯỜI THỨ BA NGAY TÌNH TRONG GIAO DỊCH DÂN SỰ

Trong các bản án, quyết định của tòa án hay trong các bản hợp đồng dân sự, ta thường bắt gặp thuật ngữ “người thứ ba ngay tình”. Vậy người thứ ba ngay tình là gì? Pháp luật dân sự hiện nay bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình như thế nào? Dưới đây là một số quy định của pháp luật dân sự về vấn đề này.

Xem thêm: Mong manh cơ chế bảo vệ bên thứ ba ngay tình - TS. Bùi Đức Giang

(Ảnh minh họa: Internet)
1)  Thế nào là “người thứ ba ngay tình”?
Xét ví dụ sau đây, A và B thỏa thuận ký hợp đồng về việc mua, bán nhà nhưng không tiến hành công chứng mà chỉ nhờ một người làm chứng việc ký kết. Sau đó, B bán lại cho C, hai bên đã thực hiện đầy đủ các thủ tục mua bán và C hiện là người sử dụng hợp pháp căn nhà. Thực chất, giao dịch dân sự giữa A và B xác lập  là giao dịch vô hiệu do vi phạm điều kiện về hình thức. C có được ngôi nhà - là đối tượng của một giao dịch dân sự trước đó bị vô hiệu. Ta thấy rằng, trên thực tế C đã xác lập và thực hiện một giao dịch dân sự nhưng lại không đạt được lợi ích mà C mong muốn, mặc dù đã tuân thủ đúng các điều kiện khi tham gia vào giao dịch đó. Pháp luật dân sự gọi C và những trường hợp tương tự là "người thứ ba ngay tình". 
Có thể xác định 4 yếu tố để người thứ ba được coi là "người thứ ba ngay tình", đó là:
Thứ nhất, khi người thứ ba tham gia vào giao dịch dân sự thì đã có một giao dịch dân sự được xác lập và thực hiện trước đó về cùng một đối tượng giao dịch nhưng giao dịch dân sự này bị vô hiệu. 
 Thứ hai, người thứ ba khi xác lập giao dịch phải "ngay tình", tức là họ không biết hoặc không thể biết rằng mình tham gia vào giao dịch dân sự với người không có quyền định đoạt tài sản, hoặc đối tượng của giao dịch liên quan đến giao dịch trước đó.
Thứ ba, tài sản giao dịch phải được phép lưu thông. Nếu là vật cấm lưu thông (ma túy, động vật quý hiếm…). thì người thứ ba buộc phải biết mình xác lập giao dịch dân sự với đối tượng này là bất hợp pháp. Trường hợp này, nếu người thứ ba tham gia giao dịch thì không được coi là "ngay tình" và không được pháp luật bảo vệ.
Thứ tư, giao dịch dân sự được xác lập với người thứ ba phải thông qua một giao dịch dân sự có đền bù như mua bán, vay, thuê khoán…Trường hợp giao dịch dân sự với người thứ ba đối với tài sản là động sản mà thông qua một giao dịch không có đền bù ( ví dụ tặng cho…) thì người thứ ba mặc dù ngay tình nhưng cũng không được pháp luật bảo vệ quyền lợi và phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu hay người chiếm hữu hợp pháp.
2)  Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự
Bộ luật dân sự 2015 (sau đây tạm gọi là Bộ Luật mới) ban hành ngày 24/11/2015, bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2017, quy định chế định người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự tại Điều 133 như sau:
“Điều 133. Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự bị vô hiệu
1. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng đối tượng của giao dịch là tài sản không phải đăng ký đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch được xác lập, thực hiện với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại Điều 167 của Bộ luật này.
2. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.
Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch dân sự với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa.
3. Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu giao dịch dân sự với người này không bị vô hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều này nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại”.
Bên cạnh đó, Điều 167 quy định về Quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình (kế thừa tương tự quy định tại Điều 257 BLDS 2005):
“Chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình trong trường hợp người chiếm hữu ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản; trường hợp hợp đồng này là hợp đồng có đền bù thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản nếu động sản đó bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu.
Như vậy, chế định người thứ ba ngay tình trong BLDS 2015 có một số điểm khác so với BLDS 2005, cụ thể:
Thứ nhất, BLDS 2015 quy định rộng hơn Bộ Luật dân sự 2005 (sau đây tạm gọi là Bộ Luật cũ) về đối tượng giao dịch. Bộ Luật mới đã thay thế cụm từ “động sản không phải đăng ký” bằng cụm từ “tài sản không phải đăng ký”. Tài sản trong quy định này bao gồm hai loại là động sản và bất động sản (Điều 105 Bộ Luật mới) chứ không chỉ bó hẹp là động sản như Bộ luật cũ. Trước đây, Bộ Luật cũ quy định chỉ có tài sản giao dịch là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu trong các giao dịch với người thứ ba ngay tình thì giao dịch đó mới có hiệu lực (trừ các trường hợp tại Điều 257). Quy định mới góp phần bảo đảm tốt hơn, công bằng, hợp lý hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người thiện chí, ngay tình trong giao lưu dân sự, theo đó, nếu người thứ ba ngay tình căn cứ vào việc tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà xác lập giao dịch thì người thứ ba ngay tình được bảo vệ. Bên cạnh đó, góp phần thay đổi nhận thức của người dân đối với việc đăng ký tài sản, đồng thời, giúp nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cán bộ làm công tác đăng ký tài sản.
Thứ hai, BLDS 2015 quy định giao dịch của người thứ ba ngay tình không bị vô hiệu trong trường hợp tham gia vào giao dịch tài sản phải đăng ký mà giao dịch trước đó đã thực hiện việc đăng ký. Trước đây, Bộ Luật cũ quy định trong trường hợp tài sản giao dịch là bất động sản hoặc là động sản phải đăng ký quyền sở hữu đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó bản án, quyết định bị hủy, sửa và người này không còn là chủ sở hữu tài sản (Điều 138). Rõ ràng, quy định mới đã bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người thứ ba ngay tình, vốn luôn bị yếu thế khi tham gia vào các giao dịch dân sự. Tuy nhiên, Bộ luật mới cũng quy định rõ nếu giao dịch về tài sản phải đăng ký trước đó chưa thực hiện việc đăng ký thì giao dịch tài sản đó của người thứ ba ngay tình bị coi là vô hiệu.
Việc quy định bảo vệ "người thứ ba ngay tình" trong trường hợp tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền là phù hợp với nguyên tắc đăng ký bất động sản hiện nay. Trước đó, Điều 168, Điều 439, Điều 692 của BLDS 2005; Khoản 3 Điều 188 Luật đất đai năm 2013 đều quy định thời điểm xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền sở hữu đối với bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu được tính từ thời điểm đăng ký. Mặt khác, quy định này cũng góp phần bảo đảm sự ổn định trong các quan hệ dân sự.
Thứ ba, quy định chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình là một quy định hoàn toàn mới của Bộ Luật mới. Về nguyên tắc, quy định này đồng thời bảo vệ quyền lợi chủ sở hữu thực sự của tài sản và của cả người thứ ba ngay tình khi tham gia các giao dịch dân sự liên quan đến đối tượng giao dịch cùng là một tài sản. Tuy nhiên, trên thực tiễn, quy định này rõ ràng có lợi hơn cho người thứ ba ngay tình và làm hạn chế đi quyền lợi của chủ sở hữu thực sự của tài sản. Bởi nếu chủ sở hữu thực sự của tài sản khởi kiện và thắng kiện thì việc thi hành án để đòi bồi thường là không dễ dàng. Các bên cần thận trọng hơn nữa trong việc xác lập các giao dịch dân sự, nhất là các hợp đồng liên quan đến bất động sản và động sản có giá trị lớn.
 Luật gia Võ Văn Tú
 
 
Blogger Templates