Pages

HOME

1/18/2016

ĐIỀU KIỆN CÓ HIỆU LỰC CỦA HỢP ĐỒNG

Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng là tổng hợp những yêu cầu pháp lý nhằm đảm bảo cho hợp đồng được lập đúng bản chất đích thực của nó. Xuất phát từ bản chất của hợp đồng, pháp luật Việt Nam quy định hợp đồng phải tuân thủ các điều kiện về chủ thể, nội dung, mục đích, sự tự nguyện và hình thức của hợp đồng.
Ảnh: Internet
1.      Chủ thể tham gia hợp đồng phải có năng lực hành vi dân sự
Đối với cá nhân, phải có tư cách chủ thể, tức là năng lực chủ thể tương ứng. Năng lực chủ thể của cá nhân khi tham gia vào hợp đồng phụ thuộc vào mức độ năng lực hành vi dân sự của họ.
Đối với pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác. Pháp nhân là tổ chức có đủ các điều kiện được quy định tại điều 84 Bộ Luật dân sự 2005; phạm vi hoạt động của tổ hợp tác được quy định tại Điều 111 và phạm vi hoạt động của hộ gia đình được quy định tại Điều 106 Bộ Luật dân sự 2005.
Đây là những thực thể xã hội chứ không phải con người tự nhiên, nên năng lực hành vi dân sự của các chủ thể này không biểu hiện trực tiếp bằng hành vi và ý chí cụ thể của một người mà được thể hiện bởi ý chí chung của các thành viên và được thực hiện thông qua hành vi của người đại diện. Việc thực hiện hợp đồng sẽ thông qua người đại diện hợp pháp, nhưng phải đúng “phạm vi đại diện” và phải phù hợp với giới hạn về “lĩnh vực hợp động” của các chủ thể.
2.   Nội dung, mục đích của Hợp đồng không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội.
Bộ Luật dân sự 2005 thừa nhận nguyên tắc tự do cam kết (Điều 4), tuy nhiên cũng quy định một số trường hợp hạn chế quyền tự do của các bên trong việc thiết lập hợp đồng. Theo đó, mục đích và nội dung của hợp đồng (giao dịch dân sự) không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội (Điểm b, khoản 1, Điều 122). Nếu hợp đồng “có mục đích và nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu” (Điều 128).
3. Việc giao kết, xác lập hợp đồng là hoàn toàn do ý chí tự nguyện của các bên chủ thể tham gia.
Theo qui định của Bộ Luật dân sự 2005, hợp đồng bị coi là xác lập thiếu yếu tố tự nguyện nếu thuộc 1 trong 5 trường hợp sau:
Hợp đồng giả tạo
Là hợp đồng lập ra nhưng không phản ánh đúng bản chất quan hệ đích thực giữa các bên, thể hiện ở việc các bên xác lập Hợp đồng để che đậy một giao dịch khác hay một hành vi trái pháp luật của một bên hoặc các bên (nói cách khác đó là sự thể hiện ý chí ra bên ngoài khác với ý chí nội tâm và kết quả thực hiện của các bên tham gia); Xét yếu tố tự nguyện dựa trên sự thống nhất ý chí với sự bày tỏ ý chí ra bên ngoài, thì những giả tạo thuộc trường hợp không có sự thống nhất giữa ý chí bên trong với hành vi xác lập Hợp đồng của chủ thể, nên giả tạo cũng bị coi là thiếu sự tự nguyện.
Hợp đồng được xác lập do nhầm lẫn
Nhần lẫn là trường hợp không có sự thống nhất giữa ý chí với sự bày tỏ ý chí. Theo đó, những gì thể hiện ra bên ngoài dưới dạng cam kết, thỏa thuận không phản ánh đúng những điều mà chủ thể đã biết và mong muốn đạt được khi xác lập Hợp đồng. Bộ Luật dân sự 2005 chỉ xem Hợp đồng bị nhầm lẫn và vô hiệu khi thỏa mãn 3 yêu cầu:
Có sự nhầm lẫn về nội dung
Sự nhầm lẫn đó là do hành vi có lỗi (vô ý) của bên kia
Sau khi bên bị nhầm lẫn đã yêu cầu bên kia cho thỏa thuận lại nội dung của hợp đồng mà không được bên kia chấp nhận
Hợp đồng xác lập do bị lừa dối
Lừa dối là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứa ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó (Điều 132 Bộ Luật dân sự 2005. Theo qui định này thì hành vi bị coi là lừa dối nếu có dấu hiệu:
Cố ý của một bên hoặc của bên thứ ba cung cấp thông tin sai sự thậ Nhưng “một sự khoa trương trong quảng cáo hoặc trong đàm phán Hợp đồng chưa tới mức bị coi là lừa dối”.
Hợp đồng xác lập bởi sự đe dọa
Đe dọa là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của cha, mẹ, vợ, chồng, con của mình. (Điều 132 Bộ Luật dân sự)
Chủ thể đe dọa là một bên tham gia Hợp đồng hoặc bên thứ ba có liên quan đến Hợp đồng hoặc được hưởng lợi từ việc xác lập Hợp đồng đó.
Người bị đe dọa là người buộc phải xác lập Hợp đồng trái với nguyện vọng đích thực của mình.
Hành vi đe dọa phải là hành vi trái pháp luật và mục đích đe dọa phải nhằm buộc bên bị đe dọa ký Hợp đồng trái với nguyện vọng của họ.
Xác lập hợp đồng trong lúc không nhận thức, điều khiển được hành vi
“Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ nhưng đã xác lập giao dịch vào đúng thời điểm không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình thì có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu” (Điều 133 Bộ Luật dân sự 2005).
4.     Hình thức của Hợp đồng phù hợp với quy định của pháp luật
Để Hợp đồng được coi là hợp pháp , pháp luật đòi hỏi Hợp đồng phải được thể hiện dưới hình thức cụ thể. Hình thức của Hợp đồng là sự thê hiện ra bên ngoài nội dung của Hợp đồng, gồm tổng hợp các cách thức ,thủ tục, phương tiện để thực hiện và công bố ý chí của các bên, ghi nhận nội dung Hợp đồng và là biểu hiện cho sự tồn tại của Hợp đồng.
Hình thức hợp đồng bằng lời nói: Là những Hợp đồng được giao kết dưới hình thức ngôn ngữ nói, bằng lời hay còn gọi là Hợp đồng miệng. Theo đó, các bên giao kết Hợp đồng trao đổi với nhau bằng lời nói, trực tiếp hoặc thông qua điện thoại, đàm thoại, gửi thông điệp điện tử bằng âm thanh( tiếng nói)... để diễn đạt tư tưởng và ý muốn của mình trong việc xác lập, giao kết Hợp đồng.
Trừ những loại Hợp đồng pháp luật quy định hình thức bắt buộc, các Hợp đồng đều có thể được lập bằng lời nói. Đây là hình thức giao kết đơn giản, gọn nhẹ, nhanh chóng và ít tốn kém nên được sử dụng phổ biến trong các giao dịch dân sự, nhưng ít được sử dụng trong các giao dịch thương mại.
Hình thức của hợp đồng bằng văn bản: Là hình thức ngôn ngữ viết được trình bày trên một chất liệu hữu hình nhằm thể hiện một nội dung xác định mà người ta có thể đọc, lưu giữ và bảo đảm được sự toàn vẹn nội dung đó; Các loại Hợp đồng bắt buộc phải được lập bằng văn bản:
Các hợp đồng dân sự thông dụng: Hợp đồng mua bán tài sản thông qua đấu giá (Khoản 2, Điều 458 Bộ Luật dân sự 2005); Hợp đồng ủy quyền trong trường hợp pháp luật có quy định (khoản 2, Đ 142); Hợp đồng mua bán, trao đổi, tặng cho tài sản có đăng ký quyền sở hữu; Chuyển quyền sở hữu tàu bay, tàu biển...
Các hợp đồng bảo đảm: Gồm dùng một tài sản để đảm bảo nhiều nghĩa vụ (khoản 2, Đ 234); Hợp đồng cầm cố tài sản(Đ 327); Hợp đồng thế chấp tài sản (Đ 343) ...
Các hợp đồng thương mại: Theo luật thương mại 2005: Hợp đồng mua bán hàng hóa (khoản 2 Đ24); Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế( khoản 2, Đ 27); Hợp đồng dịch vụ (khoản 2, Đ 74); Hợp đồng dịch vụ khuyến mại (Đ 90); Hợp đồng đại diện cho thương nhân (Đ 142); Hợp đồng đại lý (Đ 168 )...
Các hợp đồng bắt buộc phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký hoặc xin phép, theo Bộ Luật dân sự 2005: Hợp đồng hợp tác (Đ 111); Hợp đồng mua bán nhà ở (Đ 450), trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; Hợp đồng tặng cho BĐS hoặc động sản có đăng ký quyền sở hữu (Đ 466, 467); Các Hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực tại ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất (khoản 2, Đ 689).
Các hợp đồng phải đăng ký và xin phép: các giao dịch bảo đảm theo quy định tại khoản 2 Đ 323 Bộ Luật dân sự 2005; Hợp đồng cho thuê nhà, góp vốn, thế chấp và bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất (khoản 1- Đ705, Đ 149, 153 & 155); Hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp (Điểm a, khoản 3 Đ 6 và Đ 148 luật sở hữu trí tuệ 2005)...
Ngoài hình thức văn bản truyền thống, Pháp luật Việt Nam hiện hành cũng thừa nhận một thể thức tương đương văn bản đó là thông điệp dữ liệu theo khoản 01, Điều 124 Bộ Luật dân sự 2005 và Điều 15 Luật Thương mại 2005: “trong hoạt động thương mại, các thông điệp dữ liệu đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì được thừa nhận có giá trị pháp lý tương đương văn bản”.
Hình thức của hợp đồng bằng hành vi cụ thể: Hành vi cụ thể là một hình thức thể hiện của Hợp đồng theo nghĩa hẹp, Bởi lẽ, việc tuyên bố ý chý bằng lời nói hay chữ viết, suy cho cùng cũng đều bằng hành vi của con người. Tuy vậy, hình thức Hợp đồng bằng hành vi cụ thể được nói đến trong trường hợp này không phải diễn đạt bằng lời nói hay chữ viết mà chỉ được thể hiện bằng một hành động thuần túy.
Thông thường, hình thức hợp đồng bằng hành vi cụ thể được sử dụng khi bên thực hiện hành vi giao kết Hợp đồng đã biết rõ nội dung của Hợp đồng và chấp nhận tất cả các điều kiện mà bên kia đưa ra và bên kia không loại trừ việc trả lời bằng hành vi, hoặc đưa ra một yêu cầu rõ ràng về hình thức của sự trả lời chấp nhận.

 Nguồn: CNC Vietnam
 
 
Blogger Templates