Pages

HOME

6/29/2017

Vướng mắc thủ tục hoàn trả tạm ứng án phí?


Hỏi: Công ty chúng tôi là nguyên đơn trong một vụ kiện tranh chấp được giải quyết tại Tòa án vào năm 2016. Theo bản án sơ thẩm, Công ty chúng tôi được hoàn trả số tiền án phí đã tạm ứng là 90.000.000 đồng. Sau đó phía bị đơn có kháng cáo và Tòa phúc thẩm trong quá trình giải quyết đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án và bản án sơ thẩm có hiệu lực. Ngày 14/07/2016, Công ty chúng tôi đã làm đơn yêu cầu thi hành án và đã được cơ quan thi hành án thụ lý giải quyết.
Ngày 16/09/2016, Công ty chúng tôi đã có văn bản đề nghị cơ quan thi hành án hoàn trả số tiền tạm ứng án phí nhưng đến nay vẫn chưa nhận được số tiền nêu trên. Khi liên hệ với cơ quan thi hành án, chúng tôi được thông báo là chưa nhận được bản án sơ thẩm và quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của cấp phúc thẩm. Cơ quan thi hành án cũng khẳng định chỉ trả tạm ứng án phí khi nhận được hai văn bản này. Chúng tôi liên hệ hai cấp Tòa thì họ khẳng định đã gửi hai văn bản nêu trên cho cơ quan thi hành án.
Xin hỏi Luật sư, Công ty chúng tôi phải làm gì để lấy lại được số tiền tạm ứng án phí nói trên? 
Trả lời:
Căn cứ quy định tại Điều 36 và Điều 126 Luật Thi hành án dân sự thì việc trả lại tiền tạm ứng án phí theo bản án, quyết định của toà án là loại việc thi hành án chủ động. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định thi hành án. Do vậy, việc hoàn trả tiền tạm ứng án phí cho công ty theo bản án, quyết định của toà án như trường hợp này không cần phải có đơn yêu cầu thi hành án.
Điều 28, 29 Luật Thi hành án dân sự quy định Toà án đã ra bản án, quyết định phải chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.
Khi nhận bản án, quyết định do toà án chuyển giao, cơ quan thi hành án dân sự phải kiểm tra, vào sổ nhận bản án, quyết định. Sổ nhận bản án, quyết định phải ghi rõ số thứ tự; ngày, tháng, năm nhận bản án, quyết định; số, ngày, tháng, năm của bản án, quyết định và tên toà án đã ra bản án, quyết định; họ, tên, địa chỉ của đương sự và tài liệu khác có liên quan. Việc giao, nhận trực tiếp bản án, quyết định phải có chữ ký của hai bên. Trong trường hợp nhận được bản án, quyết định và tài liệu có liên quan bằng đường bưu điện thì cơ quan thi hành án dân sự phải thông báo bằng văn bản cho toà án đã chuyển giao biết.
Trong trường hợp của công ty, cần phải làm rõ trách nhiệm của toà án hay cơ quan thi hành án dân sự trong việc chuyển giao và nhận bản án, quyết định của toà án. Công ty cần kiến nghị bằng văn bản với tòa án về việc đã chuyển giao bản án, quyết định hay chưa, nếu đã chuyển giao thì chuyển giao ngày tháng năm nào, hình thức chuyển giao như thế nào (giao trực tiếp cho cơ quan thi hành án dân sự hay chuyển giao qua đường bưu điện hay thông qua Thừa phát lại.v.v).
Trường hợp đã chuyển giao nhưng thất lạc thì kiến nghị tòa án chuyển giao lại để cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án trả tiền bảo đảm quyền lợi của công ty.
 
 
Blogger Templates