Pages

HOME

6/29/2017

Thủ tục rút đơn khởi kiện


Hỏi: Tôi có khởi kiện và đã được Tòa án thụ lý giải quyết, nay tôi muốn rút đơn khởi kiện. Xin Luật sư tư vấn thủ tục rút đơn khởi kiện?
Trả lời:
Rút đơn khởi kiện là việc nguyên đơn sau khi đã gửi đơn khởi kiện không muốn tiếp tục khởi kiện nữa và muốn rút đơn. Quy định của pháp luật về việc rút đơn khởi kiện ở mỗi giai đoạn tố tụng có sự khác nhau và hậu quả của việc rút đơn cũng khác nhau. Theo đó, có các trường hợp rút đơn khởi kiện như sau:
1. Trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện của trước khi mở phiên tòa:
Theo quy định tại Điều 18 Nghị quyết 06/2012/NQ-HĐTP ngày 3-12-2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao thì việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn trước khi mở phiên tòa phải được làm thành văn bản và nộp cho Tòa án. Sau khi nhận đơn xin rút yêu cầu khởi kiện, Tòa án sẽ xem xét đơn và có quyết định đình chỉ vụ án gửi các đương sự. Trường hợp này nguyên đơn được hoàn trả tạm ứng án phí đã nộp.
2. Trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện trong thời hạn kháng cáo:
Trước tiên, Tòa án cấp sơ thẩm giải thích hậu quả của việc bị đơn không đồng ý để nguyên đơn có quyết định về việc kháng cáo hoặc rút đơn khởi kiện. Nếu nguyên đơn vẫn quyết định rút đơn khởi kiện thì tòa án cấp sơ thẩm thông báo bằng văn bản cho bị đơn biết và yêu cầu bị đơn phải trả lời bằng văn bản về việc đồng ý hay không đồng ý trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo. Tùy thuộc vào kết quả trả lời của bị đơn mà giải quyết như sau:
a) Trường hợp bị đơn không đồng ý việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn và bản án không bị kháng cáo, kháng nghị thì việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn đương nhiên không được chấp nhận. Trong trường hợp này bản án sơ thẩm sẽ có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
b) Trường hợp bị đơn đồng ý việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn, thì không phân biệt có hay  không có kháng cáo hoặc kháng nghị, tòa án cấp sơ thẩm gửi hồ sơ vụ án cho tòa án cấp phúc thẩm mở phiên tòa giải quyết vụ án.
3. Trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm mà trước đó bản án sơ thẩm có kháng cáo hoặc kháng nghị:
Khoản 1 Điều 299 của BLTTDS 2015 quy định trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, hội đồng xét xử phúc thẩm phải hỏi bị đơn có đồng ý hay không và tùy từng trường hợp mà giải quyết như sau:
a) Bị đơn không đồng ý thì không chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn;
b) Bị đơn đồng ý thì chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn. Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án. Các đương sự vẫn phải chịu án phí sơ thẩm theo quyết định của bản án sơ thẩm và phải chịu một nửa án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, nguyên đơn có quyền khởi kiện lại nếu tranh chấp còn thời hiệu khởi kiện.
 
 
Blogger Templates