Pages

HOME

11/14/2016

Tòa án không xem xét đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Giải quyết như thế nào trong trường hợp đương sự gửi đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (“ADBPKCTT”) nhưng Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án không xem xét hoặc chậm xem xét giải quyết đơn?
Theo khoản 02, khoản 03 Điều 133 Bộ luật Tố Tụng Dân Sự năm 2015 (“BLTTDS”) quy định thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như sau:

Điều 133. Thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
[…] 2. Yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 111 của Bộ luật này được giải quyết như sau:

a) Trường hợp Tòa án nhận đơn yêu cầu trước khi mở phiên tòa thì Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án phải xem xét, giải quyết. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, nếu người yêu cầu không phải thực hiện biện pháp bảo đảm hoặc ngay sau khi người đó thực hiện xong biện pháp bảo đảm quy định tại Điều 136 của Bộ luật này thì Thẩm phán phải ra ngay quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; nếu không chấp nhận yêu cầu thì Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người yêu cầu;

b) Trường hợp Hội đồng xét xử nhận đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử xem xét, thảo luận, giải quyết tại phòng xử án. Nếu chấp nhận thì Hội đồng xét xử ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngay hoặc sau khi người yêu cầu đã thực hiện xong biện pháp bảo đảm quy định tại Điều 136 của Bộ luật này. […]

3. Đối với trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 2 Điều 111 của Bộ luật này thì sau khi nhận được đơn yêu cầu cùng với đơn khởi kiện và chứng cứ kèm theo, Chánh án Tòa án phân công ngay một Thẩm phán thụ lý giải quyết đơn yêu cầu. Trong thời hạn 48 giờ, kể từ thời điểm nhận được đơn yêu cầu, Thẩm phán phải xem xét và ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; nếu không chấp nhận yêu cầu thì Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người yêu cầu biết.”

Theo quy định trên, thời hạn để thẩm phán ra giải quyết đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi mở phiên tòa là 03 ngày kể từ ngày nhận đơn. Trong trường hợp Tòa án nhận đơn yêu cầu tại phiên tòa thì xem xét giải quyết tại phiên tòa hoặc sau khi người yêu cầu thực hiện xong biện pháp bảo đảm. Đối với trường hợp tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay chứng cứ, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì thời hạn giải quyết là trong vòng 48 giờ kể từ thời điểm Tòa án nhận đơn.

Trong trường hợp đương sự đã có đơn yêu cầu ADBPKCTT nhưng thẩm phán vẫn không ra quyết định ADBPKCTT thì theo quy định tại Điều 140 Bộ luật Tố tụng dân Sự 2015 đương sự có quyền gửi đơn khiếu nại đến Chánh án tòa án đang giải quyết vụ án. Cụ thể:
“Điều 140. Khiếu nại, kiến nghị về quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ hoặc không áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời
Đương sự có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án đang giải quyết vụ án về quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc việc Thẩm phán không quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời. Thời hạn khiếu nại, kiến nghị là 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc trả lời của Thẩm phán về việc không ra quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời”.
Đồng thời khoản 01 Điều 499 BLTTDS quy định đương sự trong vụ án có quyền khiếu nại quyết định, hành vi trong tố tụng dân sự, cụ thể:

“Điều 499. Quyết định, hành vi trong tố tụng dân sự có thể bị khiếu nại
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại quyết định, hành vi trong tố tụng dân sự của cơ quan, người tiến hành tố tụng dân sự khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình. […]”.

Như vậy, đương sự có quyền khiếu nại khi có căn cứ cho rằng hành vi không giải quyết hoặc chậm giải quyết đơn yêu cầu ADBPKCTT của thẩm phán. Thủ tục khiếu nại quy định cụ thể tại Chương XLI BLTTDS 2015.
Luật gia Võ Văn Tú

 
 
Blogger Templates