Pages

HOME

7/06/2017

[DS-001] TRANH CHẤP QUYỀN SỞ HỮU TÀI SẢN LÀ TIỀN ĐỀN BÙ ĐẤT VÀ CÂY ĐƯỚC TẠI HCM


(Quyết định giám đốc thẩm số 03/2008/DS-GĐT ngày 08-01-2008 của Toà Dân sự TANDTC tại Tp. Hồ Chí Minh)

1/. Nội dung vụ án:

(Tranh chấp đất trồng đước, ảnh minh họa)

Nguyên đơn Họ Đạo Cao Đài Thánh Thất Thôn TH, xã TT, huyện CG, thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Họ Đạo) trình bày:
Ngày 21-10-1991, Họ Đạo được UBND huyện DH (nay là huyện CG) cấp diện tích 129.882m2 đất (gồm 3 thửa tọa lạc tại tờ bản đồ số 15, xã TT) để sản xuất. Cũng trong thời gian đó, vợ chồng ông Trần Văn B, bà Phạm Thị T cũng được cấp diện tích 157.644 m2 đất lâm nghiệp, gồm 8 thửa tọa lạc tại tờ bản đồ số 15, xã TT.
Năm 1992, Họ Đạo quyết định trồng đước trên diện tích đất được giao nhưng đất đã bị ông B, bà T lấn chiếm trồng đước trên diện tích đất này. Họ Đạo yêu cầu ông B, bà T trả lại đất nhưng không được chấp nhận.
Ngày 26-01-2005, Họ Đạo khởi kiện tại Tòa án yêu cầu ông B, bà T trả lại đất (thực tế đất đã bị Nhà nước thu hồi và được bồi thường, trong đó Họ Đạo đã nhận 114.296.160 đồng). Trong đơn khởi kiện bổ sung, Họ Đạo yêu cầu ông B, bà T trả lại đất và tiền ăn chia cây đước trồng trên đất. Sau đó tại biên bản hòa giải không thành, Họ Đạo yêu cầu ông B, bà T trả lại toàn bộ số tiền đền bù đất là 571.480.000 đồng và 50% tiền huê lợi cây trồng trên đất là 428.617.000 đồng.
Bị đơn ông B, bà T trình bày: Năm 1991 ông, bà được UBND huyện DH cấp diện tích 157.644m2 đất lâm nghiệp. Sau khi nhận đất, ông bà đã khai hoang trồng đước và được UBND xã và Hạt kiểm lâm cho phép. Năm 2002, Nhà nước có chủ trương kê khai, thu hồi lại đất rừng ở khu rừng ngập nước để làm khu sinh thái, gia đình ông bà đã trả lại 129.882m2 đất và được đền bù tổng cộng 1.428.700.800 đồng (trong đó tiền đất là 571.480.000 đồng và tiền cây đước là 857.220.000 đồng). Ông bà không đồng ý với yêu cầu khởi kiện nêu trên của Họ Đạo.

2/. Quá trình giải quyết vụ án:

Tại Bản án sơ thẩm số 1498/DSST ngày 19-7-2005, TAND TP.HCM đã quyết định: Họ Đạo được quyền sở hữu toàn bộ khoản tiền đền bù 129.882 m2 đất, trị giá 571.480.800 đồng; ông B, bà T phải thanh toán trả lại tiền đền bù cây đước cho Họ Đạo là 373.676.408 đồng.
Ngày 28-7-2005, ông B, bà T kháng cáo. Tại Bản án phúc thẩm số 419/DSPT ngày 27-10-2005, Toà phúc thẩm TANDTC TP.HCM đã giữ nguyên quyết định của án sơ thẩm.
Ngày 02-12-2005, ông B, bà T có đơn khiếu nại. Ngày 22-10-2007, Chánh án TANDTC có Quyết định số 209/2007/KN-DS kháng nghị bản án phúc thẩm nêu trên với lý do: cần làm rõ Họ Đạo có biết hay không biết thỏa thuận đền bù đất và cây; xác minh rõ Họ Đạo có biết hay không biết việc ông B, bà T trồng cây đước trên đất của Họ Đạo; cần xác định vụ án là tranh chấp quyền sở hữu tài sản. Từ đó đề nghị huỷ bản án phúc thẩm; giao hồ sơ vụ án cho TAND TP.HCM xét xử phúc thẩm lại.

3/. Nhận xét:

Hội đồng giám đốc thẩm nhận cho rằng trong vụ án này cả hai cấp Tòa án sơ thẩm và phúc thẩm đều mắc chung một sai lầm: Họ Đạo và vợ chồng ông B, bà T tranh chấp về số tiền đền bù đất và cây nên quan hệ pháp luật trong vụ án này là tranh chấp quyền sở hữu tài sản (tiền đền bù đất, cây). Tòa án các cấp xác định quan hệ pháp luật là “Chiếm dụng quyền lợi đất và tài sản trên đất” là chưa đúng.
Họ Đạo với vợ chồng ông B, bà T có tranh chấp về số tiền bồi thường về giá trị quyền sử dụng đất và cây nên cần phải xác minh làm rõ lại thoả thuận, phương án đền bù đất, cây đã xác lập trước đó giữa Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng với Họ Đạo và ông B, bà T.
- Nếu các bên đều biết thoả thuận này và phương án đền bù được làm công khai, được niêm yết đầy đủ và UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có Quyết định phê duyệt phương án đền bù thì tiền bồi thường của người nào người đó được hưởng.
- Nếu các bên không biết thoả thuận này và Họ Đạo biết vợ chồng ông B, bà T trồng đước trên đất của Họ Đạo nhưng không khiếu nại thì không có căn cứ chấp nhận yêu cầu của Họ Đạo đòi giá trị khai thác quyền sử dụng đất để trồng cây.
- Trong trường hợp Họ Đạo biết ông B, bà T trồng đước trên đất của Họ Đạo và có khiếu nại, tranh chấp từ khi mới trồng nhưng chưa được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, thì Họ Đạo cũng chỉ được hưởng giá trị khai thác, sử dụng đất tương ứng với giá đất thuê (trong thời gian từ năm 1992 đến lúc Nhà nước thu hồi đất) tại địa phương, nhưng không thể cho hưởng 50% số tiền bồi thường đước (sau khi đã trừ đi các chi phí hợp lý).

Do đó, Hội đồng giám đốc thẩm quyết định hủy Bản án phúc thẩm và Bản án sơ thẩm; Giao hồ sơ vụ án cho TAND thành phố Hồ Chí Minh để xét xử sơ thẩm lại.
 
 
Blogger Templates