Pages

HOME

6/20/2017

VỤ ÁN 10: Tranh chấp hợp đồng đại lý bánh trung thu giữa DNTN TIMI với bà Nguyễn Thị Hạnh tại Đăk Lắk

Nội dung vụ án:
Mùa Trung thu năm 2003 Đại lý Phương Hạnh có ký hợp đồng làm đại lý bán bánh trung thu WONDERFARM cho Công ty Interfood. Theo hợp đồng, đại lý Phương Hạnh nhận hàng tại kho của Công ty TIMI. Về chi phí, điều 2 của hợp đồng ghi “nếu bán trên 100.000.000 đồng tiền hàng được chiết khấu 40%”. Cuối đợt bán hàng tổng cộng đại lý Phương Hạnh bán được 154.956.000 đồng. Số tiền hàng 86.956.000 đồng trả cho Công ty Interfood xong ngày 20/9/2003. Hợp đồng đã được thanh lý.
Doanh nghiệp TIMI khởi kiện đại lý Phương hạnh đòi khoản tiền 67.982.400 đồng với lý do:
Đại lý Phương Hạnh nhận hàng ký sổ của kho TIMI là TIMI bán cho Phương Hạnh. Phương Hạnh mới trả được 86.965.000 đồng cho Interfood, còn phải trả tiếp cho TIMI số tiền hàng còn thiếu như trên.
Đại lý Phương Hạnh không nhất trí cho rằng mình không có quan hệ mua bán với công ty TIMI, chỉ bán đại lý cho Interfood, hai bên đã thanh lý xong hợp đồng, không có thắc mắc. Việc nhận hàng ở kho Công ty TIMI theo chỉ định của Interfood. Quan hệ giữa Interfood với TIMI thế nào là không liên quan đến đại lý Phương Hạnh.
Quá trình giải quyết vụ án:
Bản án sơ thẩm dân sự số 92/2005/DS-ST ngày 2/11/2005 của TAND TP.Buôn Mê Thuột quyết định:
Bác yêu cầu khởi kiện cảu doanh nghiệp TIMI đòi đại lý Phương Hạnh phải trả 67.892.400 đồng.
Ngày 7/11/2005, doanh nghiệp TIMI kháng cáo bản án sơ thẩm nói trên.
Bản án dân sự phúc thẩm số 94/2005/DSPT ngày 22/9/2006 của TAND tỉnh Đắc Lắc sửa án sơ thẩm: buộc bà Nguyễn Thị Hạnh phải trả thanh toán lại cho doanh nghiệp TIMI số tiền 33.991.200 đồng vì lý do:
-Đại lý Phương Hạnh ký nhận bánh từ kho của TIMI
-Đại lý Phương Hạnh và doanh nghiệp TIMI không có thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ nên khoản tiền chiết khấu chia đôi để bảo vệ quyền lợi của các bên.
Ngày 19/7/2007 Viện trưởng Viện KSNDTC kháng nghị bán án DSPT nói trên, yêu cầu Toà Kinh tế huỷ cả bán án sơ thẩm và phúc thẩm, đình chỉ vụ án vì:
1. Tòa án sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật tranh chấp dân sự là không đúng, phải là quan hệ kinh doanh thương mại và lẽ ra phải trả lại đơn khởi kiện theo Khoản 1 Điều 168 và Khoản 2 Điều 192 BLTTDS.

2. Toà án cấp phúc thẩm buộc đại lý Phương Hạnh trả cho doanh nghiệp TIMI khoản tiền 33 triệu đồng là không đúng, không có chứng cứ pháp lý vì đại lý Phương Hạnh và doanh nghiệp TIMI không quan hệ hợp đồng làm phát sinh quyền và nghĩa vụ các bên, doanh nghiệp TIMI không có tư cách đi kiện. Cấp phúc thẩm lẽ ta phái áp dụng Điều 278 BLTTDS để huỷ bản án DSST và đình chỉ giải quyết vụ án. Tại Quyết định giám đốc thẩm số 05 ngày 14/8/2007, Tòa Kinh tế TANDTC đã chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSND; huỷ án Phúc thẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm số 92/205/DSTT ngày 2/11/2005.
Nhận xét:
Những thiếu sót của tòa án các cấp:
1. Tòa án cấp sơ thẩm: xác định quan hệ tranh chấp dân sự là không đúng với quy định của Bộ luật TTDS. Điều 29 BLTTDS quy định “các tranh chấp trong hoạt động kinh doanh thương mại giữa các cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận” bao gồm “đại diện, đại lý”.
Như vậy: cả công ty TIMI và đại lý Phương Hạnh đều thỏa mãn những điều kiện trên nên phải là án kinh tế. Tòa án cấp sơ thẩm xác định là án dân sự là sai.
Tuy nhiên về nội dung, Tòa sơ thẩm đã xét sử đúng, tức là bác yêu cầu kiện đòi 67.892.400 đồng của doanh nghiệp TIMI là đúng.
Cấp giám đốc thẩm nhận định: “đây là vụ án kinh doanh thương mại. Tòa án cấp sơ thẩm xác định vụ án dân sự là không đúng nhưng nội dung vụ án đã xét xử đúng, thiếu sót này không nghiêm trọng chỉ cần rút kinh nghiệm, không cần thiết phải huỷ án sơ thẩm” là chính xác, vừa khắc phục được sai sót, vừa giữ được ổn định của bản án đã xét xử đúng, tránh phiền hà cho các đương sự.
2.      Tòa án cấp phúc thẩm:
Cấp phúc thẩm đã phát hiện được Tòa án cấp sơ thẩm xác định sai quan hệ pháp luật bị tranh chấp. Lẽ ra cần nhận định rút kinh nghiệm và y án sơ thẩm thì lại sửa án sơ thẩm, đó là sai lầm lớn nhất. Trong lúc đã có nhận định “doanh nghiệp TIMI và đại lý Phương Hạnh giao nhận bánh không có quy định quyền và nghĩa vụ”. Quyền và nghĩa vụ phải hình thành trên cơ sở hợp đồng hoặc thỏa thuận khác của các đương sự. Trong khi doanh nghiệp TIMI và đại lý Phương Hạnh không có hợp đồng, không có thỏa thuận tay đôi hoặc tay ba giữa Interfood, đại lý Phương Hạnh và doanh nghiệp TIMI thì không thể phát sinh quyền và nghĩa vụ. Cấp phúc thẩm còn nhầm lẫn ở chỗ đã quá nhấn mạnh đến tình tiết đại lý Phương Hạnh nhận hàng và ký sổ của TIMI để cho rằng việc đó làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa doanh nghiệp TIMI và đại lý Phương Hạnh. Thực chất việc đó là phát sinh từ Hợp đồng đại lý giữa Interfood và đại lý Phương Hạnh, do người giao đại lý chỉ định “giao hàng qua kho của doanh nghiệp TIMI”. Việc giao hàng và trả tiền đôi khi họ ủy quyền để người thứ ba thực hiện không nhất thiết họ phải trực tiếp thực hiện, đó là mối quan hệ giữa họ và người thứ ba. Do vậy mà cấp phúc thẩm đã có quyết định thiếu căn cứ là chia đôi khoản tiền chiết khấu của đại lý Phương Hạnh cho doanh nghiệp TIMI.
Bản Quyết định giám đốc thẩm số 05/2007/KDTM-GĐT ngày 14.08.2007 của Toà Kinh tế - TANDTC quyết định huỷ bản án phúc thẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm mà không huỷ án sơ thẩm theo đề xuất của VKSNDTC là đúng.
(Chuyên gia pháp lý Đỗ Cao Thắng; nguồn: toaan.gov.vn)
 
 
Blogger Templates