Nội dung vụ án:
Ngày 30.7.2002, Công ty thiết bị phụ tùng Đà Nẵng (nguyên đơn) có ký hợp đồng số
366/HĐKT bán cho Công ty Trường Sơn (bị đơn) 20 chiếc ô tô Kamaz mới 100% do Liên bang
Nga sản xuất trị giá 6.750.000.000 đồng Thanh toán làm 2 đợt, mỗi đợt 50% trong
vòng 60 ngày sau khi nhận xe. Nếu thanh toán chậm phải chịu phạt 0,1%/ngày/số
tiền chậm thanh toán.
Ngày 29.3.2002, Công ty TNHH Việt Hưng có giấy bảo lãnh số 213/HV thanh
toán đợt hai giá trị 3.375.000.000 đồng trong vòng 60 ngày.
Sau khi nhận xe tính đến ngày 27.2.2006 Công ty Trường Sơn mới thanh
toán được 5.175.000.000 đồng. Còn nợ 1.575.000.000 đồng gốc và lãi chậm thanh
toán từ ngày 01.10.2002 đến ngày 27.02.2006 là 1.058.590.000 đồng lãi.
Ngày 21.3.2005, Công ty thiết bị phụ tùng Đà Nẵng khởi kiện yêu cầu toà
án buộc Công ty Trường Sơn và Công ty Việt Hưng bảo lãnh trả nốt số nợ và số
lãi nói trên.
Bị đơn: xác nhận số nợ và đồng ý trả tiền hàng còn thiếu nhưng không
đồng ý trả lãi vì không có thỏa thuận trong hợp đồng.
Người có quyền và nghĩa vụ liên quan: có đồng quan điểm với bị đơn.
Quá trình giải quyết vụ án:
Tại Bản án KDTM sơ thẩm số 01/2006/ST ngày 27.2.2006, TAND TP.Việt Trì
đã xử:
Công ty Việt hưng trả cho Công ty thiết bị phụ tùng Đà Nẵng tiền hàng
còn thiếu 1.570.000.000 đồng và tiền phạt vi phạm hợp đồng và 101.250.000 đồng.
Tổng cộng: 1.671.350.000 đồng.
Sau khi có bản án sơ thẩm, nguyên đơn Công ty TBPT Đà Nẵng chống án,
xin cấp Phúc thẩm chấp nhận khoản lãi.
Bản án kinh doanh thương mại Phúc thẩm số 01/2006/KDTM-PT ngày 16/5/2006 của TAND tỉnh Phú Thọ
đã xử: bác đơn kháng cáo, giữ nguyên án sơ thẩm.
Công ty TBPT Đà Nẵng khiếu nại giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm.
Ngày 29.10.2007, Chánh án TANDTC có Quyết định số 02/2007/KDTM kháng
nghị bản án KDTM/PT số 01/KDTM-PT ngày 15/6/2006 với lý do:
- Theo
Điều 233 Luật thương mại 1997 và Điều 306 Luật thương mại 2005 quy định bên bị
vi phạm có quyền đòi tiền lãi trên số tiền trả chậm.
- Theo
Điều 368 BLDS 1995 hoặc Điều 363 BLDS năm 2005: “Nghĩa vụ bảo lãnh bao gồm cả
tiền lãi trên nợ gốc, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại…”
Toà án sơ thẩm và phúc thẩm bác yêu cầu đòi tiền lãi chậm thanh toán
trên nợ gốc là không đúng. Đề nghị cấp giám đốc thẩm hủy Bản án phúc thẩm nói
trên để giao Phúc thẩm xét xử lại.
Quyết định giám đốc thẩm số 02/KDTM
ngày 30.7.2007 của Tòa Kinh Tế - TANDTC đã chấp nhận kháng nghị của Chánh án, huỷ bản án phúc thẩm nói
trên để xét xử lại.
Nhận xét:
Trong vụ án này cả hai cấp Tòa án sơ thẩm và phúc thẩm đều mắc chung
một sai lầm:
1.
Chưa hiểu rõ bản chất của hoạt động thương mại.
Hoạt động thương mại là hoạt động tìm kiếm lợi nhuận. Mục đích của hoạt
động thương mại là làm thế nào nhân được đồng vốn lên càng nhiều càng tốt. Người
xưa nói “nhất bản vạn lợi” một vốn bốn lời là thế. Kinh doanh hòa vốn đã là lỗ
cho nên Điều 306 Luật thương mại 2005 quy định “người bị vi phạm có quyền đòi
tiền lãi trên số tiền chậm trả” là để ngăn chặn việc các doanh nghiệp lợi dụng
chiếm dụng vốn chây ì không trả tiền. Như vậy việc đòi tiền lãi không phụ thuộc
vào hợp đồng có thỏa thuận hay không mà phụ thuộc vào người bị vi phạm có yêu
cầu hay không trừ khi các bên có thỏa thuận khác.
2.
Các cấp Tòa án chưa nghiên cứu tỉ mỉ Pháp luật.
Việc trả tiền lãi cũng đã được quy định trong Luật thương mại 1997 và
Luật thương mại 2005. Quy định rõ ràng dễ hiểu rồi nhưng vẫn cứ sai. Hoặc nghĩa
vụ của người bảo lãnh bao gồm cả tiền lãi, tiền phạt và tiền bồi thường thiệt
hại (đương nhiên là cả nợ gốc). Vì vậy trách nhiệm bảo lãnh của Công ty Việt
Hưng không chỉ trả thay tiền nợ gốc mà còn cả tiền lãi phát sinh, tiền phạt nếu
có trên số nợ gốc. Kháng nghị của Chánh án TANDTC là đúng và bản Quyết định
giám đốc thẩm của Tòa Kinh tế, TANDTC hủy bản án phúc thẩm để xử lại theo hướng
phân tích trên sẽ buộc Công ty Trường Sơn hoặc người bảo lãnh Công ty Việt Hưng
phải trả nợ gốc (tiền hàng còn thiếu) và lãi chậm tính trên số tiền gốc chậm
trả là đúng quy định của Phát luật.
(Chuyên gia pháp lý Đỗ Cao Thắng; nguồn: toaan.gov.vn)