Vấn đề pháp lý:
Đáo hạn hợp đồng tín dụng (có
biện pháp bảo đảm), bên vay không có khả năng trả nợ, bên cho vay có quyền tự
xử lý tài sản thế chấp, cầm cố theo hợp đồng hay không? Trong các hợp đồng tín dụng có biện pháp bảo đảm (cầm cố,
thế chấp), các bên có thỏa thuận về việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp, trong
trường hợp bên vay vi phạm hợp đồng hoặc không trả được nợ khi đến hạn thì bên
cho vay có quyền xử lý tài sản theo phương thức mà các bên đã thỏa thuận trong
hợp đồng cầm cố, thế chấp nếu không có căn cứ xác định thỏa thuận đó vô hiệu.
Nội dung vụ án:
Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam - Chi
nhánh Khu công nghiệp Bình Dương (sau đây gọi tắt là VietinBank) và Công ty
TNHH Ngọc Quang (sau đây gọi tắt là Công ty Ngọc Quang) đã ký kết với nhau
nhiều hợp đồng tín dụng. Tính đến 2006, hai bên xác nhận còn lại 13 hợp đồng
tín dụng quá hạn chưa thanh toán với tổng số tiền nợ gốc là 12.264.300.000
đồng. Để đảm bảo cho các khoản vay của 13 hợp đồng tín dụng này, hai bên đã ký
kết với nhau 9 hợp đồng cầm cố, thế chấp.
Đến hạn thanh toán nợ, Công ty Ngọc Quang không thanh
toán được nợ của 13 hợp đồng tín dụng trên, VietinBank căn cứ vào điều khoản xử
lý tài sản cầm cố, thế chấp trong các hợp đồng cầm cố, thế chấp để tự mình bán
các tài sản đã cầm cố, thế chấp cho Công ty Cổ phần Cơ khí Đồng Lực (sau đây
gọi tắt là Công ty Đồng Lực) thu được 10.050.000.000 đồng. Toàn bộ số tiền thu
được từ việc bán tài sản đã thanh toán cho một số hợp đồng tín dụng, nhưng công
ty Ngọc Quang vẫn còn nợ VietinBank 5.273.000.000 đồng (gồm nợ gốc và lãi của
các hợp đồng tín dụng chưa được thanh toán). VietinBank khởi kiện yêu cầu công
ty Ngọc Quang thanh toán cho VietinBank số tiền 5.273.000.000 đồng.
Công ty Ngọc Quang cho rằng việc VietinBank tự ý xử lý tài
sản cầm cố, thế chấp là vi phạm pháp luật về xử lý tài sản cầm cố, thế chấp;
việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp phải do Tòa án quyết định. Công ty Ngọc
Quang còn phản tố yêu cầu Tòa án tuyên bố các hợp đồng mua bán tài sản giữa
VietinBank và Công ty Đồng Lực là vô hiệu.
Tại bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số
20/2009/KDTM-ST ngày 30/9/2009, TAND tỉnh Bình Dương đã quyết định không chấp
nhận yêu cầu của nguyên đơn; chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn, buộc
VietinBank và Công ty Đồng Lực trả lại cho Công ty Ngọc Quang toàn bộ tài sản
theo hợp đồng mua bán tài sản và hợp đồng cầm cố,thế chấp. Bản án sơ thẩm bị
kháng cáo. Tại bản án phúc thẩm số 89/2010/KDTM-PT ngày 10/6/2010, Tòa
Phúc thẩm TAND tối cao tại TP. Hồ Chí Minh đã quyết định giữ nguyên bản án sơ
thẩm. Bản án phúc thẩm đã bị Chánh án TAND tối cao kháng nghị giám đốc thẩm.
Tại phiên họp ngày 9/01/2014, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã
quyết định hủy bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm, giao cho TAND tỉnh Bình
Dương xét xử sơ thẩm lại. Quyết định của Hội đồng Thẩm phán có một số vấn đề pháp lý quan trọng là:
- Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm nhận định
việc VietinBank xử lý tài sản bảo đảm không tuân theo trình tự thủ tục quy định
tại Nghị định số 163/2006/CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ nhưng không đưa ra
được căn cứ VietinBank đã vi phạm quy định nào của Nghị định cũng như các quy
định khác của pháp luật.
- Tại các
hợp đồng cầm cố, thế chấp giữa VietinBank và Công ty Ngọc Quang đã có các thỏa
thuận về việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp, cụ thể là: “Trường hợp bên A vi phạm hợp đồng tín dụng thì phải chấp nhận phương
thức xử lý tài sản cầm cố (hoặc tài sản thế chấp) của bên B” và “Trường hợp bên A không trả được nợ cho bên
B như đã thỏa thuận, bên B được toàn quyền xử lý tài sản cầm cố (hoặc thế chấp)
để thu hồi nợ theo các phương thức do bên B quyết định như sau: Trực tiếp bán
tài sản cầm cố (hoặc thế chấp) cho người mua...”. Theo quy định tại Điều 32
Nghị định số 165/1999/NĐ-CP ngày 19/11/1999 về giao dịch bảo đảm thì: “Quyền sử dụng đất thế chấp được xử lý theo
phương thức do các bên thỏa thuận; trong trường hợp các bên không có thỏa
thuận, thì bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu bán đấu giá để thanh toán nghĩa
vụ”. Theo quy định tại Điều 118 Luật nhà ở năm 2005 thì: “Việc xử lý nhà ở thế chấp để thực hiện
nghĩa vụ được thực hiện thông qua hình thức bán đấu giá theo quy định của pháp
luật về bán đấu giá tài sản, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác...”.
Do vậy, VietinBank xử lý tài cầm cố, thế chấp theo thỏa thuận trong hợp đồng
của các bên là có căn cứ, đúng pháp luật./.
(Chu Minh - Nguyễn Tứ, nguồn: toaan.gov.vn)