Vấn đề pháp lý:
Cổ đông sáng lập trong công ty cổ phần có quyền chuyển nhượng cổ phần của
mình cho cổ đông khác không hạn chế không? Nếu vi phạm điều kiện chuyển nhượng
thì xác định lỗi như thế nào?
Cổ đông sáng
lập của công ty cổ phần bị hạn chế chuyển nhượng theo Khoản 5 Điều 84 Luật
Doanh nghiệp 2005. Khi hợp đồng chuyển nhượng cổ phần bị
vô hiệu do vi phạm điều kiện quy định ở khoản 5 do chưa có ý kiến chấp thuận
của Đại hội đồng cổ đông thì phải xác định lỗi chính là của bên chuyển nhượng.
Nội dung vụ án:
Công ty Cổ phần Du lịch Đống Đa là loại hình doanh nghiệp
Nhà nước được cổ phần hóa, Công ty đăng ký kinh doanh lần đầu vào ngày
8/4/2005. Bà Nguyễn Thị Dậu là một trong những cổ đông sáng lập của Công ty Cổ
phần Du lịch Đống Đa. Ngày 12/10/2007, bà Dậu ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần
và ủy thác đầu tư số 033 với Công ty Cổ phần Khoáng sản và Đầu tư Vinashin (gọi
tắt là Vinashin). Theo hợp đồng, bà Dậu thỏa thuận sẽ chuyển nhượng cho
Vinashin 23.400 cổ phần phổ thông đồng thời đàm phán và mua lại của các cổ đông
khác 3.240 cổ phần. Vinashin đặt cọc cho bà Dậu 35 tỷ đồng và bà Dậu chuyển cho
Vinashin 18.448 cổ phần để đảm bảo việc thực hiện hợp đồng. Hai bên thỏa thuận
đến ngày 25/4/2008 sẽ thực hiện xong các thủ tục chuyển nhượng cổ phần. Tuy
nhiên, quá trình thực hiện hợp đồng, bà Dậu thì cho rằng Vinashin vi phạm nghĩa
vụ thanh toán dẫn đến hợp đồng chuyển nhượng không thực hiện được còn Vinashin
lại cho rằng bà Dậu không thực hiện các thủ tục chuyển nhượng cổ phần theo thỏa
thuận của hai bên. Do vậy, ngày 23/11/2009, bà Dậu khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy
hợp đồng chuyển nhượng cổ phần và ủy thác đầu tư số 033.
Tại bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số
46/2010/KDTM-ST ngày 05/4/2010, TAND thành phố Hà Nội đã
quyết định công nhận hợp đồng chuyển nhượng cổ phần và ủy thác đầu tư số 033 và
buộc các bên tiếp tục thực hiện hợp đồng. Bản án sơ thẩm bị kháng cáo. Tại bản
án phúc thẩm số 152/2010/KDTM-PT ngày 16/9/2010, Tòa Phúc thẩm TAND tối
cao tại Hà Nội đã quyết định hủy hợp đồng chuyển nhượng cổ phần và hợp tác đầu
tư số 033 và buộc bà Dậu hoàn trả Vinashin toàn bộ số tiền đã nhận trong quá
trình thực hiện hợp đồng. Bị đơn có khiếu nại. Bản án phúc thẩm đã bị Chánh án
TAND tối cao kháng nghị giám đốc thẩm.
Tại phiên họp giám đốc thẩm ngày
17/4/2014, Hội đồng Thẩm
phán TAND tối cao đã quyết định hủy bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm giao cho
Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm lại. Quyết định của Hội đồng
Thẩm phán các vấn đề pháp lý quan trọng là:
- Tại thời điểm bà Dậu ký hợp đồng chuyển
nhượng cổ phần và ủy thác đầu tư số 033 với Vinashin thì bà Dậu là cổ đông sáng
lập và bà Dậu vẫn bị hạn chế chuyển nhượng cổ phần theo Khoản 5 Điều 84 Luật
Doanh nghiệp 2005. Khoản 5 Điều 84 quy định: “Trong
thời hạn ba năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh
doanh, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình
cho cổ đông sáng lập khác, nhưng chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của
mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại
hội đồng cổ đông. Trong trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần
không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó và người nhận
chuyển nhượng đương nhiên trở thành cổ đông sáng lập của công ty. Sau
thời hạn ba năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh
doanh, các hạn chế đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập đều được bãi
bỏ”.
- Hợp đồng 033 được ký kết khi chưa có sự
chấp thuận chuyển nhượng của Đại hội đồng cổ đông nên hợp đồng 033 vô hiệu. Nếu
là hợp đồng có hiệu lực thì phải căn cứ vào hợp đồng để xác định vi phạm và
trách nhiệm dân sự. Nhưng với hợp đồng vô hiệu thì phải căn cứ vào việc ai có
lỗi làm cho hợp đồng vô hiệu để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại từ
hợp đồng vô hiệu. Thực tế, các bên tham gia hợp đồng 033 có thỏa thuận bổ sung
bà Dậu phải tổ chức Đại hội cổ đông để nhận được sự chấp thuận của đa số các cổ
đông về việc bà Dậu chuyển nhượng cổ phần cho phù hợp với Điều 84 nêu trên. Tuy
nhiên, bà Dậu đã không thực hiện thỏa thuận này nên phải xác định bà Dậu là
người có lỗi chính làm cho hợp đồng vô hiệu.
- Tòa án cấp sơ thẩm công nhận hợp đồng
số 033 là không đúng, còn Tòa án cấp phúc thẩm hủy hợp đồng số 033 buộc bà Dậu
trả lại cho Vinashin 45 tỷ đồng đã nhận nhưng không buộc Vinashin trả lại bà
Dậu 18.448 cổ phần đồng thời chỉ xác định Vinashin có lỗi cũng là không đúng./.
(Chu Minh -
Nguyễn Tứ; nguồn: toaan.gov.vn)