Pages

HOME

6/20/2017

VỤ ÁN 06: Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm giữa CT Cẩn Vân và CT Bảo hiểm Nhà Rồng tại Tp. Hồ Chí Minh

Vấn đề pháp lý:
Trường hợp chuyển giao xe ô tô cho bên thứ ba theo hợp đồng cho thuê tài chính thì phải thông báo về tình trạng bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với chiếc xe. Chủ xe là bên chuyển giao và công ty bảo hiểm bị xác định là có lỗi nếu trong các trường hợp: (i) hai bên hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với xe; điều chỉnh lại hợp đồng bảo hiểm nhưng không thông báo cho bên nhận chuyển giao;(ii) không thu hồi giấy chứng nhận bảo hiểm; hoặc (iii) không thông báo giấy chứng nhận bảo hiểm hết hiệu lực.
Luật kinh doanh Bảo hiểm và Quy tắc bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (ban hành kèm theo Quyết định số 23/2003/QĐ-BTC) quy định giấy chứng nhận bảo hiểm là bằng chứng về việc giao kết hợp đồng bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ “cấp cho bên mua bảo hiểm giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm ngay sau khi giao kết hợp đồng bảo hiểm”.
Nội dung vụ án:
Theo hồ sơ vụ án, ngày 27/11/2006 Công ty cho thuê tài chính II - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (“Công ty Cho thuê tài chính II”) và Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vận tải Phương Thảo (“Công ty Phương Thảo”) ký Hợp đồng cho thuê tài chính số 184/06. Theo đó, Công ty cho thuê tài chính II cho Công ty Phương Thảo thuê 24 chiếc xe ôtô, trong đó có chiếc xe ô tô khách 29 chỗ hiệu Transinco 1/5 K29 mang biển kiểm soát 53M-7538.
Ngày 29/12/2006, Công ty cổ phần Bảo hiểm Nhà Rồng (“Công ty Bảo hiểm Nhà Rồng”) cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm xe cơ giới cho xe ô tô 53M-7538; chủ xe là Công ty cho thuê tài chính II; tổng phí bảo hiểm: 2.164.000 đồng; hiệu lực bảo hiểm là một năm tính từ 08 giờ ngày 01/1/2007 đến 08 giờ ngày 01/1/2008 cho Công ty Phương Thảo.
Nhưng đến ngày 11/1/2007, Công ty Phương Thảo mới ký Hợp đồng bảo hiểm xe ôtô số 1A1131 với Công ty Bảo hiểm Nhà Rồng để mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe đối với người thứ ba, bảo hiểm tai nạn tài xế, người ngồi trên xe) cho những chiếc xe ô tô thuê của Công ty cho thuê tài chính II, trong đó có chiếc xe 53M-7538. Hợp đồng bảo hiểm này có hiệu lực một năm từ 8 giờ ngày 01/1/2007 đến 8 giờ ngày 01/1/2008, chỉ có hiệu lực khi người được bảo hiểm thanh toán phí bảo hiểm đầy đủ và đúng hạn. Riêng đối với bảo hiểm thân xe thì Công ty cho thuê tài chính II đã ký hợp đồng mua của Công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex (PJICO Sài Gòn).
Ngày 12/1/2007, Công ty Phương Thảo ký Bản thỏa thuận với Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Cẩn Vân (“Công ty Cẩn Vân”). Bản thỏa thuận có nội dung Công ty Phương Thảo chuyển giao cho Công ty Cẩn Vân 5 chiếc xe ô tô 29 chỗ hiệu Transinco 1/5 K 29 (trong đó có chiếc xe 53M-7538) mà Công ty Phương Thảo đã thuê của Công ty cho thuê tài chính II trước đó; theo thỏa thuận thì đối với Bảo hiểm thân xe, Công ty Cẩn Vân sẽ được hưởng thụ tiếp tục phần còn lại do Công ty Phương Thảo đã mua trước.
Ngày 18/1/2007, Công ty Phương Thảo có giấy đề nghị Công ty cho thuê tài chính II cho chuyển 5 chiếc xe trên cho Công ty Cẩn Vân thuê lại, mục đích là chuyển đối tác thuê tài chính. Trong giấy đề nghị này cũng ghi rõ là Công ty Cẩn Vân sẽ được hưởng tiếp tục phần còn lại của bảo hiểm thân xe mà Công ty Phương Thảo đã mua. Ngày 31/1/2007, Công ty cho thuê tài chính II đồng ý cho Công ty Cẩn Vân thuê lại 05 xe ô tô nói trên.
Cùng ngày, Công ty cho thuê tài chính II và Công ty Phương Thảo lập Biên bản thanh lý một phần Hợp đồng cho thuê tài chính số 184/06 ngày 27/11/2006 đối với 5 chiếc xe ô tô đó. Đồng thời, Công ty cho thuê tài chính II ký Hợp đồng cho thuê tài chính số 013/07 ngày 31/1/2007 với Công ty Cẩn Vân kèm theo các phụ lục về việc cho thuê 5 chiếc xe ô tô, trong đó có chiếc xe 53M-7538 và theo quy định tại hợp đồng này thì Công ty Phương Thảo có trách nhiệm chỉ định Công ty bảo hiểm và làm thủ tục mua bảo hiểm và Công ty cho thuê tài chính II có trách nhiệm thanh toán phí bảo hiểm 1 lần trong suốt thời gian thuê. Cũng trong ngày 31/1/2007, Công ty Phương Thảo đã tiến hành bàn giao 5 chiếc xe ô tô đó và giấy tờ kèm theo cho Công ty Cẩn Vân trước sự chứng kiến của Công ty cho thuê tài chính II.
Ngày 30/3/2007, Công ty Phương Thảo có văn bản thông báo cho Công ty Bảo hiểm Nhà Rồng biết là bắt đầu từ tháng 01/2007, Công ty Phương Thảo chuyển nhượng 5 chiếc xe ô tô trên cho Công ty Cẩn Vân và yêu cầu Công ty Bảo hiểm Nhà Rồng điều chỉnh lại Hợp đồng bảo hiểm xe ô tô số 1A1131, chuyển 5 chiếc xe đó cho Công ty Cẩn Vân chịu trách nhiệm thanh toán với bảo hiểm.
Ngày 02/4/2007, Công ty Phương Thảo có công văn gửi Công ty Bảo hiểm Nhà Rồng đề nghị hủy bỏ Bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với 5 chiếc xe (trong đó có chiếc xe 53M-7538) thuộc Hợp đồng bảo hiểm xe ô tô số 1A1131, Công ty Phương Thảo không chịu trách nhiệm đối với 5 chiếc xe này và đề nghị điều chỉnh lại hợp đồng.
Ngày 03/4/2007, Công ty Bảo hiểm Nhà Rồng thông báo cho Công ty Phương Thảo biết việc chấp nhận hủy hiệu lực bảo hiểm trách nhiệm dân sự của 5 chiếc xe ô tô và đồng ý sửa đổi lại hợp đồng bảo hiểm xe ô tô nêu trên. Cùng ngày, Công ty Bảo hiểm Nhà Rồng và Công ty Phương Thảo đã ký Hợp đồng sửa đổi, bổ sung số 1B1131, theo đó 5 chiếc xe ô tô, trong đó có chiếc xe 53M-7538 bị loại bỏ khỏi hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự.
Ngày 22/7/2007, chiếc xe 53M-7538 chở khách đi từ thành phố Hồ Chí Minh đến địa phận phường Cam Nghĩa, thị xã Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa gây tai nạn làm 27 hành khách trên xe bị thương, 1 trụ điện và chiếc xe ô tô 53M-7538 bị hư hỏng. Sau khi tai nạn xảy ra, Công ty Cẩn Vân có báo cho Công ty Bảo hiểm Nhà Rồng biết và Công ty Bảo hiểm Nhà Rồng đã cử người đi xác minh, thu thập hồ sơ.
Sau khi xác minh, Công ty Bảo hiểm Nhà Rồng có văn bản thông báo từ chối bồi thường gửi cho Công ty cho thuê tài chính II và Công ty Phương Thảo, với lý do từ chối bồi thường là “chiếc xe ô tô 53M-7538 là 1 trong 5 chiếc xe được phía Công ty yêu cầu bằng văn bản về việc hủy bỏ hiệu lực bảo hiểm trách nhiệm dân sự từ ngày 02/4/2007 và được sự chấp thuận bằng Văn bản số 0011 của Công ty chúng tôi ngày 3/4/2007 (đính kèm hợp đồng sửa đổi, bổ sung số 1B1131)”.
Nay Công ty Cẩn Vân khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Công ty cổ phần Bảo hiểm Nhà Rồng phải có trách nhiệm thanh toán cho Công ty Cẩn Vân số tiền bảo hiểm cho chiếc xe ô tô 53M-7538 bị tai nạn là 110.000.000 đồng.
Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; đồng thời tách quan hệ về nộp phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự ra giải quyết thành vụ kiện khác. Bản án sơ thẩm bị kháng cáo. Tòa án cấp phúc thẩm quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Tại phiên họp giám đốc thẩm ngày 30/9/2009, Hội đồng giám đốc thẩm quyết định hủy bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm; giao hồ sơ vụ án cho TAND thành phố Hồ Chí Minh xét xử lại. Trong Quyết định của Hội đồng Giám đốc thẩm có một số vấn đề pháp lý quan trọng như sau:
- Điều khoản hiệu lực của Hợp đồng bảo hiểm quy định hợp đồng chỉ có hiệu lực khi người được bảo hiểm thanh toán phí bảo hiểm đầy đủ và đúng hạn. Nhưng Công ty Bảo hiểm Nhà Rồng đã cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm cho Công ty cho thuê tài chính II trước khi ký kết hợp đồng với Công ty Phương Thảo. Theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm thì việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự là nghĩa vụ bắt buộc đối với chủ xe cơ giới. Chủ chiếc xe mang biển kiểm soát số 53M-7538 là Công ty cho thuê tài chính II nhưng người ký hợp đồng mua bảo hiểm lại là Công ty Phương Thảo. Theo Điều 14 Luật kinh doanh bảo hiểm và Điều 3 Quy tắc bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới được ban hành kèm theo Quyết định số 23/2003/QĐ-BTC ngày 25/2/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính thì giấy chứng nhận bảo hiểm là bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm. Theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm thì Doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ “cấp cho bên mua bảo hiểm giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm ngay sau khi giao kết hợp đồng bảo hiểm”. Nhưng trong trường hợp này Công ty Bảo hiểm Nhà Rồng đã cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho chiếc xe 53M-7538 từ ngày 29/12/2006 (trước khi ký hợp đồng bảo hiểm) và ghi rõ “hiệu lực bảo hiểm từ 8 giờ ngày 01/01/2007 đến 8 giờ ngày 01/01/2008”. Như vậy, có sự mâu thuẫn với quy định nêu trên của Luật kinh doanh bảo hiểm và thỏa thuận của các bên tại Hợp đồng bảo hiểm. Bên cạnh đó, các bên cũng có lời khai không thống nhất về việc thanh toán hợp đồng bảo hiểm và cũng cung cấp hóa đơn, chứng từ về việc nộp phí bảo hiểm.
- Công ty Phương Thảo và Công ty Bảo hiểm Nhà Rồng là bên có lỗi do không thông báo cho Công ty Cẩn Vân biết việc hủy bỏ hiệu lực bảo hiểm đối với chiếc xe ô tô mang biển kiểm soát số 53M-7538. Sau khi chuyển giao chiếc xe, Công ty Phương Thảo và Công ty Nhà Rồng đã thỏa thuận hủy bỏ bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với chiếc xe này và điều chỉnh lại hợp đồng bảo hiểm nhưng không thông báo cho Công ty Cẩn Vân là người đang quản lý, sử dụng chiếc xe biết và cũng không thu hồi giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc thông báo giấy chứng nhận bảo hiểm hết hiệu lực. Chính vì vậy Công ty Cẩn Vân đã tiếp tục sử dụng giấy chứng nhận bảo hiểm này cho đến ngày xảy ra tai nạn trong quá trình lưu thông xe.
- Việc xác định trách nhiệm bồi thường hợp đồng bảo hiểm nếu chỉ căn cứ vào Giấy chứng nhận bảo hiểm xe cơ giới là chưa có đủ căn cứ vững chắc mà cần phải làm rõ cơ sở xác định thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm cũng như sự việc chấm dứt hợp đồng bảo hiểm. Bên cạnh đó, cần phải xem xét hiệu lực của giấy chứng nhận bảo hiểm trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm đã bị hủy bỏ, đồng thời phải làm rõ trách nhiệm của Công ty cho thuê tài chính II (Chủ xe), Công ty Phương Thảo, Công ty Cẩn Vân và Công ty Bảo hiểm Nhà Rồng để xác định trách nhiệm và mức độ bồi thường thiệt hại./.

(Lg. Võ Văn Tú)
 
 
Blogger Templates