Vấn đề pháp lý:
Trường hợp nào phải có “giấy phép thầu” thì việc
giao kết và thực hiện hợp đồng mới hợp pháp? Đối
với nhà thầu nước ngoài, ngoài các điều kiện như nhà thầu trong nước thì nhà
thầu nước ngoài phải có "giấy phép thầu" mới được hoạt động xây dựng
tại Việt Nam. Hợp đồng có một bên là nhà thầu nước ngoài hoạt động xây
dựng tại Việt Nam không đề cập đến Giấy phép thầu là hợp đồng vô hiệu; việc
giải quyết tranh chấp loại hợp đồng này phải theo các quy định của pháp luật về
hợp đồng vô hiệu.
Nội dung vụ án:
Nguyên đơn
là Công ty trách nhiệm hữu hạn Orange Engineesing (sau đây gọi tắt là Công ty
Orange) có địa chỉ tại Hàn Quốc. Bị đơn là Công ty cổ phần Phát
triển Phú Mỹ (sau đây gọi tắt là Công ty Phú Mỹ) có địa chỉ tại thị xã Thủ
Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Nguyên đơn có đơn khởi kiện đề ngày 19/11/2010 yêu
cầu buộc bị đơn thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng dịch vụ ký kết ngày 15/6/2007.
Nội dung hợp
đồng ngày 15/6/2007 giữa Công ty Orange và Công ty Phú Mỹ có một số điều khoản
cơ bản là: Công ty Orange làm nhà thầu cung cấp dịch vụ thiết kế cho Dự án xây
dựng công trình “Câu lạc bộ quốc gia và sân golf Đôi Chim Câu” tại xã Phú Mỹ,
thị xã Thủ Dầu Một; thời hạn dịch vụ là 3 tháng sau ngày ký kết hợp đồng; giá
dịch vụ là 400.000.000 KRW (tiền won Hàn Quốc) chia làm 3 đợt (đợt 1 là
120.000.000 KRW, đợt 2 là 120.000.000 KRW, đợt 3 là 160.000.000 KRW).
Công ty
Orange cho rằng đã hoàn tất nghĩa vụ, ngày 20/9/2007 đã bàn giao cho Công ty
Phú Mỹ CD và bản vẽ chi tiết; sau 10 ngày không có phản hồi từ Công ty Phú Mỹ
có nghĩa là Công ty Phú Mỹ đã chấp nhận sản phẩm (theo quy định tại Điều 12 của
Hợp đồng) nên yêu cầu Công ty Phú Mỹ phải thanh toán nốt 160.000.000 KRW (đã
nhận đợt 1 và đợt 2 theo Hợp đồng) và lãi chậm trả của khoản tiền này.
Công ty Phú
Mỹ cho rằng chưa nhận được thiết kế hoàn chỉnh, đã yêu cầu Công ty Orange sửa
lại nhiều hạng mục nhưng Công ty Orange chậm chễ nên đã phải thuê đối tác khác.
Do vậy, Công ty Phú Mỹ không chấp nhận đề nghị thanh toán của Công ty Orange.
Tại Bản án
kinh doanh, thương mại sơ thẩm của TAND thành phố Hồ Chí Minh và Bản án kinh
doanh, thương mại phúc thẩm số 127/2011/KDTM-PT của Tòa Phúc thẩm TAND tối cao
tại thành phố Hồ Chí Minh đều quyết định chấp nhận yêu cầu của Công ty Orange,
buộc Công ty Phú Mỹ thanh toán cho Công ty Orange phí dịch vụ còn thiếu và lãi
chậm trả. Công ty Phú Mỹ có đơn yêu cầu giám đốc thẩm. Viện trưởng VKSND tối
cao đã có kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm với nhận
xét: Hai bên không có biên bản bàn giao nên chưa có cơ sở xác định ngày Công ty
Phú Mỹ nhận CD và các bản vẽ thiết kế của Công ty Orange. Thực tế, sau ngày
Công ty Orange khai là đã bàn giao sản phẩm (20/9/2007) thì hai bên vẫn có công
văn trao đổi với nhau về việc sửa đổi để hoàn thiện thiết kế nên việc khẳng
định Công ty Orange đã hoàn thành nghĩa vụ để buộc Công ty Phú Mỹ thanh toán là
chưa đủ cơ sở.
Tại phiên họp ngày 13-8-2013, Hội
đồng Thẩm phán TAND tối cao đã quyết định hủy Bản án kinh doanh, thương
mại sơ thẩm và Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm, giao cho TAND thành phố
Hồ Chí Minh giải quyết sơ thẩm lại. Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm
phán có một số vấn đề pháp lý quan trong là:
- Dịch vụ
thiết kế xây dựng công trình là một hoạt động xây dựng (theo quy định tại Khoản
1 Điều 3 Luật Xây dựng năm 2003 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009). Do
vậy, việc giao kết và thực hiện hợp đồng dịch vụ thiết kế xây dựng phải tuân
theo các quy định của pháp luật về xây dựng. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp
phúc thẩm không áp dụng pháp luật chuyên nghành mà chỉ căn cứ vào các quy định
của Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại để xem xét tính hợp pháp của hợp đồng
dịch vụ thiết kế xây dựng nêu trên là chưa đầy đủ và chưa chính xác.
- Theo quy
định tại Khoản 1 Điều 56 Luật Xây dựng thì tổ chức thực hiện thiết kế xây dựng
công trình phải đáp ứng các điều kiện sau: "a.Có
đăng ký hoạt động thiết kế xây dựng công trình; có đủ điều kiện năng lực hoạt
động thiết kế xây dựng công trình…".Trong quá trình tố tụng, Công ty
Orange chỉ xuất trình "Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh" đề ngày
9/12/2008 của Văn phòng thuế. Với chứng nhận này thì chưa đủ cơ sở xác định
Công ty Orange có đăng ký hoạt động thiết kế xây dựng công trình ở thời điểm ký
kết hợp đồng với Công ty Phú Mỹ hay không.
Một điều
kiện quan trọng khác để xác định hợp đồng nêu trên hợp pháp là Công ty
Orange phải có "Giấy phép thầu". Theo quy định tại Quy chế quản
lý lao động của nhà thầu nước ngoài trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam (Ban
hành kèm theo Quyết định số 87/2004/QĐ-TTg ngày 19/5/2004 của Thủ tướng Chính
phủ) thì Giấy phép thầu là "giấy
phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho nhà thầu nước ngoài
theo từng hợp đồng sau khi trúng thầu hoặc được lựa chọn thầu theo quy định của
pháp luật Việt Nam" (Khoản 10 Điều 2 của Quy chế). Và theo Điều 3 của
Quy chế nêu trên thì: "Nhà thầu nước
ngoài chỉ được hoạt động tại Việt Nam sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm
quyền của Việt Nam cấp giấy phép thầu".
Đối chiếu
với các quy định của pháp luật về xây dựng nêu ở trên thì Hợp đồng dịch vụ giữa
Công ty Orange và Công ty Phú Mỹ ký ngày 15/6/2007 là vô hiệu. Bản
án sơ thẩm, Bản án phúc thẩm, và cả Kháng nghị giám đốc
thẩm xác định hợp đồng nêu trên là hợp đồng hợp pháp, giải quyết tranh chấp
theo các quy định về hợp đồng hợp pháp là chưa chính xác. Cần phải giải quyết
xét xử sơ thẩm lại theo hướng tuyên bố hợp đồng vô hiệu và giải quyết hậu quả
của tuyên bố vô hiệu theo quy định của pháp luật./.
(Chu Minh; nguồn: toaan.gov.vn)