Pages

HOME

11/24/2016

DOANH NGHIỆP ĐƯỢC ỦY QUYỀN TRONG NHỮNG TRƯỜNG HỢP NÀO?

Công ty chúng tôi là doanh nghiệp có 100% vốn Việt Nam do người Việt Nam đại diện pháp luật. Nay người đại diện pháp luật ủy quyền toàn bộ cho người nước ngoài ký tên các loại giấy tờ liên quan đến cơ quan nhà nước như kế toán, thuế, lao động...Vậy trường hợp ủy quyền này có phù hợp với pháp luật hay không?

Trả lời:

Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định doanh nghiệp (thông qua người đại diện theo pháp luật) được ủy quyền cho người khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự nếu việc ủy quyền thoả mãn các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự và điều kiện về hình thức văn bản ủy quyền. Trường hợp này, việc ủy quyền là để phục vụ quyền và lợi ích của doanh nghiệp (người ủy quyền) chứ không phải cho cá nhân người đại diện pháp luật của doanh nghiệp đó.
Bộ luật dân sự năm 2015 không quy định giới hạn việc người nhận ủy quyền trong giao dịch dân sự chỉ là người Việt Nam. Chính vì vậy có thể hiểu rằng pháp luật không loại trừ trường hợp người nhận ủy quyền là người nước ngoài nếu người đó đáp ứng đủ các điều kiện tham gia giao dịch ủy quyền.
Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp doanh nghiệp đều được ủy quyền cho người khác thực hiện. Trong một số biểu mẫu, phụ lục được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực thuế, đầu tư, đăng ký doanh nghiệp… yêu cầu người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu doanh nghiệp dưới nội dung văn bản mà không phải là người đại diện theo ủy quyền.

Như vậy, đối với từng lĩnh vực công việc thì người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp khi ủy quyền cho người khác phải lưu ý các quy định pháp luật chuyên ngành điều chỉnh lĩnh vực công việc đó có cho phép ủy quyền hay không, cũng như phải xem người nước ngoài có được nhận ủy quyền và tham gia thực hiện công việc đó hay không.
Lg. Võ Văn Tú
 
 
Blogger Templates