Pages

HOME

6/14/2013

PHÂN BIỆT THUẾ, PHÍ VÀ LỆ PHÍ


A.Khái niệm
Thuế là khoản đóng góp bắt buộc theo quy định của pháp luật của các cá nhân và pháp nhân đối với nhà nước không mang tính đối giá và hoàn trả trực tiếp.
Lệ phí là khoản thu vừa mang tính chất phục vụ cho đối tượng nộp lệ phí về việc thực hiện một số thủ tục hành chính vừa mang tính chất động viên sự đóng góp cho ngân sách nhà nước.
Phí là khoản thu mang tính chất bù đắp thường xuyên hoặc bất thường như phí về bảo dưỡng, xây dựng, duy tu của nhà nước đối với những hoạt động phục vụ người nộp phí.
Thuế, phí và lệ phí đều là nguồn thu cho ngân sách nhà nước và đều mang tính pháp lý nhưng giữa chúng có những sự khác biệt nhất định
B.Những điểm khác biệt
1.Xét về mặt giá trị pháp lý
Thuế có giá trị pháp lý cao hơn lệ phí, phí. Thuế được ban hành dưới dạng văn bản pháp luật như: Luật, pháp lệnh do Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua. Trình tự ban hành một luật thuế phải tuân theo một trình tự chặt chẽ.
Trong khi đó lệ phí, phí được ban hành dưới dạng Nghị định, Quyết định của Chính Phủ; quyết định của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
2.Xét về mục đích và mức độ ảnh hưởng đối với nền kinh tế - xã hội thì thuế có 3 tác dụng lớn:
Tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước;
Điều chỉnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý và định hướng phát triển kinh tế;
Đảm bảo sự bình đẳng giữa những chủ thể kinh doanh và công bằng xã hội.
Qua đó chúng ta thấy thuế có tác động lớn đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia, đồng thời thuế là một bộ phận rất quan trọng cấu thành chính sách tài chính quốc gia.
Trong khi đó lệ phí, phí không có những tác động nói trên, nó chỉ có tác dụng tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Hơn nữa việc tạo nguồn thu này không phải dùng đáp ứng nhu cầu chi tiêu mọi mặt của nhà nước, mà trước hết để bù đắp chi phí hoạt động của các cơ quan cung cấp cho xã hội một số dịch vụ công cộng như: dịch vụ công chứng, dịch vụ đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản, dịch vụ hải quan…
     Ngoài dấu hiệu là thuế được đảm bảo thực hiện bằng sự cưỡng chế của nhà nước. Thuế còn phân biệt với lệ phí, phí ở chỗ các cá nhân và pháp nhân có nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước nhưng không trên cơ sở được hưởng những lợi ích vật chất tương ứng mang tính đối giá. Trong khi đó, hình thức lệ phí, phí và công trái nói chung mang tính tự nguyện và có tính chất đối giá. Tính bắt buộc của lệ phí và phí chỉ xảy ra khi chủ thể nộp lệ phí, phí thừa hưởng trực tiếp những dịch vụ do nhà nước cung cấp.
Bên cạnh đó, thuế không mang tính hoàn trả trực tiếp cho đối tượng nộp thuế. Tính chất không hoàn trả trực tiếp của thuế thể hiện ở chỗ Nhà nước thu thuế từ các cá nhân, pháp nhân trong xã hội nhưng không bị ràng buộc bởi trách nhiệm hoàn trả lại cho người nộp. Người nộp thuế suy cho cùng sẽ nhận được các lợi ích vật chất từ việc sử dụng các dịch vụ công cộng do nhà nước cung cấp, các dịch vụ này do nhà nước sử dụng các khoản chi của ngân sách nhà nước để thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội chung cho cả cộng đồng. Tuy nhiên, giá trị phần dịch vụ đó không nhất thiết tương đồng với khoản tiền thuế họ đã nộp cho nhà nước. Tính chất này của thuế cho phép chúng ta phân biệt thuế, lệ phí, phí với các khoản thu mà nhà nước tập trung vào ngân sách nhà nước nhưng ràng buộc trách nhiệm hoàn trả cho các đối tượng nộp dưới các hình thức như vay nợ, tạm ứng cho ngân sách nhà nước.
3.Xét về tên gọi, mục đích
Mục đích của từng loại lệ phí rất rõ ràng, thường phù hợp với tên gọi của nó. Nói một cách chính xác hơn, tên gọi của loại lệ phí nào phản ánh khá đầy đủ mục đích sử dụng của loại lệ phí đó.
Mỗi một luật thuế đều có một mục đích riêng. Tuy nhiên, đa số các sắc thuế có tên gọi không phản ánh đúng mục đích sử dụng mà thường phản ánh đối tượng tính thuế.
Nói chung mục đích của việc sử dụng các loại thuế thường là tạo nguồn quỹ ngân sách nhà nước nhằm đáp ứng nhu cầu chi ngân sách nhà nước, thực hiện chức năng quản lý xã hội của nhà nước.




 
 
Blogger Templates