Pages

HOME

8/02/2017

Người thân bị xe tông chết, gia đình được quyền yêu cầu bồi thường những khoản nào?

Hỏi: Vừa qua, bố tôi trên đường đi làm về đã bị người khác chạy xe máy quá tốc độ vượt đèn đỏ đâm vào làm bị thương rất nặng phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Khi gây tai nạn, người này có biểu hiện đang say rượu, mất tỉnh táo và không làm chủ được hành vi của mình. Hiện người này đã bị công an tạm giữ để điều tra về hành vi gây tai nạn. Còn bố tôi sau khi đưa vào bệnh viện cấp cứu được 01 tuần thì mất do chấn thương sọ não.
Xin hỏi Luật sư, gia đình tôi có được quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với người đã gây tai nạn cho bố tôi không và có thể yêu cầu bồi thường những khoản tiền nào?

Trả lời:

Trước hết, tôi xin chia buồn sâu sắc về sự mất mát mà không may gia đình bạn đã phải gánh chịu.
Theo thông tin bạn cung cấp, người gây tai nạn đã có lỗi vi phạm quy định pháp luật về an toàn giao thông đường bộ, cụ thể người này đã điều khiển xe máy trong trạng thái say rượu và vượt đèn đỏ gây ra tai nạn làm chết bố của bạn. Hành vi của người này đã có đủ dấu hiệu cấu thành tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ quy định tại Điều 202 Bộ luật Hình sự 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009). Ngoài nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người này còn phải chịu trách nhiệm dân sự bồi thường thiệt hại cho gia đình bạn. Theo đó, khoản 01 Điều 591 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định rõ người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Về thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm, khoản 01 Điều 591 Bộ luật Dân sự năm 2015 và Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/07/2006 quy định bao gồm các khoản sau:

1. Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết: bao gồm tiền thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đi cấp cứu tại cơ sở y tế; tiền thuốc và tiền mua các thiết bị y tế, chi phí chiếu, chụp X-quang, chụp cắt lớp, siêu âm, xét nghiệm, mổ, truyền máu, vật lý trị liệu... theo chỉ định của bác sỹ; tiền viện phí; tiền mua thuốc bổ, tiếp đạm, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe theo chỉ định của bác sỹ; các chi phí thực tế, cần thiết khác (nếu có). Trong trường hợp sau khi điều trị, người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì phải bồi thường chi phí hợp lý cho việc chăm sóc như: chi phí hợp lý hàng tháng cho việc nuôi dưỡng, điều trị người bị thiệt hại và chi phí hợp lý cho người thường xuyên chăm sóc. Lưu ý chỉ được tính bồi thường thiệt hại cho một người chăm sóc. Chi phí này được tính bằng mức tiền công trung bình trả cho người chăm sóc người tàn tật tại địa phương nơi người bị thiệt hại cư trú.

2. Chi phí hợp lý cho việc mai táng: bao gồm các khoản tiền mua quan tài, các vật dụng cần thiết cho việc khâm liệm, khăn tang, hương, nến, hoa, thuê xe tang và các khoản chi khác phục vụ cho việc chôn cất hoặc hỏa táng nạn nhân theo thông lệ chung. Tiền chi phí cúng tế, lễ bái, ăn uống, xây mộ, bốc mộ...không được tính.

3. Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng:

Đối tượng được bồi thường khoản tiền cấp dưỡng có thể là:
a)    Vợ hoặc chồng không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và được chồng hoặc vợ là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng;
b)   Con chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình mà cha, mẹ là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng;
c)    Cha, mẹ là người không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình mà con là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;
d)   Vợ hoặc chồng sau khi ly hôn đang được bên kia (chồng hoặc vợ trước khi ly hôn) là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;
e)    Con chưa thành niên hoặc con đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình mà cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi dưỡng là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;
f)    Em chưa thành niên không có tài sản để tự nuôi mình hoặc em đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có khả năng lao động không có tài sản để cấp dưỡng cho con được anh, chị đã thành niên không sống chung với em là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;
g)   Anh, chị không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình mà em đã thành niên không sống chung với anh, chị là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;
h)   Cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không còn người khác cấp dưỡng mà ông bà nội, ông bà ngoại không sống chung với cháu là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;
i)     Ông bà nội, ông bà ngoại không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không có người khác cấp dưỡng mà cháu đã thành niên không sống chung với ông bà nội, ông bà ngoại là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.

Lưu ý chỉ xem xét khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng nếu trước khi chết người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng trên thực tế. Những người này sẽ được bồi thường khoản tiền cấp dưỡng tương ứng. Đối với những người mà người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng thì được bồi thường khoản tiền cấp dưỡng hợp lý phù hợp với thu nhập và khả năng thực tế của người phải bồi thường, nhu cầu thiết yếu của người được bồi thường.

4. Tiền bồi thường để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi. Việc xác định mức độ tổn thất về tinh thần phải căn cứ vào địa vị của người bị thiệt hại trong gia đình, mối quan hệ trong cuộc sống giữa người bị thiệt hại và những người thân thích của người bị thiệt hại. Mức bồi thường bù đặp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận. Trong trường hợp không thỏa thuận được, thì mức tối đa không quá 100 mức lương cơ sở do Nhà nước quy định tại thời điểm bồi thường.
Về thời gian được hưởng bồi thường, theo Điều 593 BLDS 2015 quy định trường hợp người bị thiệt hại mất hoàn toàn khả năng lao động thì được hưởng bồi thường từ thời điểm mất hoàn toàn khả năng lao động cho đến khi chết, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Trường hợp người bị thiệt hại chết thì những người mà người này có nghĩa vụ cấp dưỡng khi còn sống được hưởng tiền cấp dưỡng từ thời điểm người bị xâm phạm tính mạng chết trong thời hạn sau đây:
a)    Người chưa thành niên hoặc người đã thành thai là con của người chết và còn sống sau khi sinh ra được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi đủ mười tám tuổi, trừ trường hợp người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi đã tham gia lao động và có thu nhập đủ nuôi sống bản thân. Đối với con đã thành thai của người chết, tiền cấp dưỡng được tính từ thời điểm người này sinh ra và còn sống.
b)   Người đã thành niên nhưng không có khả năng lao động được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi chết.

Như vậy, gia đình bạn có quyền yêu cầu người đã gây ra tai nạn phải bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng của bố bạn. Để đảm bảo tốt nhất quyền lợi hợp pháp thì gia đình bạn cần xem xét các quy định của pháp luật nêu trên để làm căn cứ xác định yêu cầu bồi thường.

Trường hợp gia đình bạn cần hỗ trợ về mặt pháp lý, vui lòng liên hệ trực tiếp tôi qua số điện thoại 0906.610.061 để được hỗ trợ.


Trân trọng,
 
 
Blogger Templates