Vai trò của luật sư trong
hoạt động tố tụng nói chung và hoạt động tranh tụng tại phiên tòa nói riêng có
vị trí đặc biệt quan trọng...
Góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ
quyền, lợi ích hợp pháp cho bị can, bị cáo, giúp giải quyết vụ án khách quan,
đúng pháp luật. Vì vậy, kỹ năng ứng xử của luật sư tại phiên tòa là một
phần quan trọng không thể thiếu trong suốt quá trình tố tụng của luật sư.
Trong một cuộc hội thảo mới đây,
nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tố tụng, giới luật sư cũng đề cập về vấn đề
này.
Phiên tòa là nơi Tòa án thực hiện
việc xem xét một cách đầy đủ và công khai các chứng cứ để xác định sự thật
khách quan của vụ án. Vì vậy, tại phiên tòa với đầy đủ thành phần như: Hội đồng
xét xử, kiểm sát viên, bị cáo, bị hại… luật sư cần phải có kỹ năng ứng xử phù
hợp. Về nguyên tắc Tòa án chỉ ra bản án, quyết định trên cơ sở các chứng cứ đã
được thu thập và kiểm tra đánh giá công khai tại phiên tòa. Thông qua phần hỏi
hoặc xét hỏi và phần tranh luận, các chủ thể tham gia phiên tòa có quyền và lợi
ích khác nhau đều có quyền bình đẳng trong việc kiểm tra, đánh giá chứng cứ và
đề xuất hướng giải quyết vụ án. Mặt khác, phiên tòa được tiến hành trực tiếp,
liên tục bằng lời nói và ngôn ngữ viết (cáo trạng, bản án…), thông qua việc
luật sư tham gia phần hỏi, phần tranh luận và kỹ năng ứng xử của luật sư có ý
nghĩa phản ánh trình độ luật sư, kết quả quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án.
Do văn hóa ứng xử được thể hiện thông qua lời nói, bài viết, hành động, nên đòi
hỏi luật sư cần cẩn trọng trong lời nói, tranh luận và đối đáp và ứng xử phù
hợp tại phiên tòa.
Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề
nghiệp luật sư cũng đã quy định rất rõ vấn đề này. Cụ thể, tại phiên tòa, luật
sư chấp hành nội quy phiên tòa, tôn trọng Hội đồng xét xử, đại diện Viện kiểm
sát; có thái độ ứng xử đúng mực, có văn hóa khi thực hiện quyền xét hỏi người
làm chứng và những người tham gia tố tụng khác; không suy đoán chủ quan mang
tính chất kích động, quy chụp, kết tội người khác hoặc có những lời lẽ gây bất
lợi cho khách hàng của mình; không cố tình trì hoãn, gây trở ngại cho việc xét
xử bằng những phương cách bất hợp lý hay trái đạo đức… Việc quy định những quy
tắc này cũng đồng nghĩa với việc luật sư tôn trọng và chấp hành pháp luật.
Theo LS Hoàng Huy Được, Phó Chủ
nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, kỹ năng ứng xử của luật sư với HĐXX tại phiên
tòa rất quan trọng. Luật sư nên đứng dậy khi tham gia phần xét hỏi, cần xin
phép HĐXX trước khi đặt câu hỏi đối với người mà mình cần hỏi, điều đó thể hiện
sự tôn trọng. Mặt khác, khi đặt vấn đề luật sư nên đứng dậy khi tham gia phần
hỏi hoặc trình bày như một kỹ năng, bởi trên thực tế không ít luật sư ngồi đặt
câu hỏi hoặc chủ động gọi bị cáo hoặc người tham gia tố tụng khác để hỏi và bị
Thẩm phán chủ tọa phiên tòa nhắc nhở. Ông cũng nhận định, việc luật sư đứng dậy
khi tham gia hỏi hoặc trình bày cho thấy sự tôn trọng pháp luật, tôn trọng
HĐXX, sự tôn nghiêm phiên tòa. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có không ít luật sư
vẫn “quên” đứng dậy khi phát biểu hay xét hỏi, là một điều đáng tiếc, thiếu sự
tôn trọng HĐXX. Ngoài ra, luật sư cũng không nên nói quá to hoặc quá nhỏ hay sử
dụng những ngôn từ “đao to búa lớn” hoặc áp đặt câu hỏi truy vấn tạo ra cho
người khác có cảm giác khó chịu khi được hỏi dễ dẫn đến sự căng thẳng không cần
thiết tại phiên tòa.
Ngoài ra, kỹ năng ứng xử với đại
diện Viện kiểm sát tại phiên tòa cũng rất quan trọng. Theo nhận định của nhiều
chuyên gia, Hội đồng xét xử có vai trò rất quan trọng, là người “cầm cân nảy
mực”, “trung tâm trọng tài” giữa bên buộc tội và bên gỡ tội để đưa ra phán
quyết một cách khách quan đối với vụ án. Vì vậy việc ứng xử của luật sư tại
phiên tòa với đại diện Viện kiểm sát cũng đòi hỏi kỹ năng, là văn hóa pháp
đình để việc “tranh luận, tranh tụng” không trở thành “tranh cãi”. Tại
phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên tòa có thể với tư cách là
người giữ quyền công tố tại phiên tòa (đối với phiên tòa hình sự) hoặc kiểm sát
việc tuân theo pháp luật (đối với phiên tòa dân sự...). Nhưng khi nói đến mối
quan hệ giữa luật sư với đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa nhiều người nghĩ
đến mối quan hệ giữa một bên gỡ tội và một bên buộc tội.
Ông Hoàng Huy Được cũng cho rằng, để
bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân được thực hiện một cách có
hiệu quả thì “ở đâu có buộc tội thì ở đó có gỡ tội”. Vì vậy, việc luật sư tiếp
xúc, ứng xử với đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa là chuyện thường ngày xảy
ra trong quá trình hoạt động hành nghề. Trong quá trình thẩm vấn, tranh luận
hay đối đáp để bào chữa hoặc bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho khách hàng thì luật
sư phải luôn giữ được tính độc lập của mình. Một luật sư có bản lĩnh, không bị
chi phối hoặc lệ thuộc vào ý kiến đại diện Viện kiểm sát, không “ngả nghiêng”
trước quan điểm buộc tội thì không những được khách hàng tin tưởng, tôn trọng
mà cả đại diện Viện kiểm sát cũng sẽ phải tôn trọng luật sư. Khi luật sư dành
sự tôn trọng đúng mực với cơ quan Viện kiểm sát và đại diện Viện kiểm sát tại
phiên tòa thì cũng sẽ nhận được sự tôn trọng trở lại.
Ngoài ra, kỹ năng ứng xử của luật sư
tại phiên tòa còn được thể hiện ở việc “luật sư không suy đoán chủ quan mang
tính chất kích động, quy chụp, kết tội người khác hoặc có những lời lẽ gây bất
lợi cho khách hàng của mình”; “không được dùng lời lẽ mang tính chất chỉ trích,
xúc phạm cá nhân trong quá trình tham gia tố tụng”, “không được lợi dụng tư
cách người tham gia tố tụng tại phiên tòa theo qui định của pháp luật để phát
biểu những lời lẽ gây phương hại đến lợi ích quốc gia, lợi ích xã hội, đoàn kết
dân tộc hoặc chỉ trích, xúc phạm cá nhân”. Quy tắc ứng xử đạo đức nghề nghiệp
của luật sư cũng đã quy định cụ thể vấn đề này.
Như vậy có thể thấy rằng kỹ năng ứng
xử của luật sư được biểu hiện thông qua lời nói, bài viết, thái độ và hành động
của luật sư tại phiên tòa cần hướng tới sự hài hòa các yếu tố như: Tôn trọng
Hội đồng xét xử; văn hóa pháp đình; quyền lợi hợp pháp của khách hàng (bị cáo,
người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ
liên quan).
(Báo Công Lý - 17/7/2016)
Xem thêm: Kỹ năng viết của Luật sư