Pages

HOME

5/19/2013

QUY ĐỊNH VỀ VÙNG NỘI THỦY TRONG PHÁP LUẬT QUỐC TẾ

Nội thủy là vùng nước biển nằm phía trong đường cơ sở và giáp với bờ biển tại đó quốc gia ven biển thực hiên chủ quyền hoàn toàn và tuyệt đối như trên lãnh thổ đất liền (khoản 1, điều 8 Công ước 1982)
Cách xác định:
Ranh giới phía trong của nội thủy là bờ biển;
Ranh giới phía ngoài của nội thủy là đường cơ sở.
Đối với quốc gia quần đảo, nội thủy là toàn bộ phần nước biển nằm bên trong đường cơ sở của quốc gia quần đảo. Quốc gia quần đảo có chủ quyền đối với vùng nước, vùng trời, đáy biển và lòng đất tương ứng với vùng tài nguyên đó.


Các phương pháp các định đường cơ sở
Đường cơ sở của quốc gia trên biển là “cột mốc pháp lý”được vạch dựa vào ngấn nước thủy triều thấp nhất dọc theo chiều hướng chung của bờ biển
Đường cơ sở là những đường thẳng gãy khúc nối liền các mũi, các đỉnh, các đảo ven bờ để xác định chiều rộng các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền.
Theo quy định tại Điều 5 và Điều 7 của Công ước 1982, có 2 phương pháp để xác định đường cơ sở:
Phương pháp xác định đường cơ sở thông thường
Theo quy định tại Điều 5 của Công ước 1982, đường cơ sở thông thường dùng để tính chiều rộng lãnh hải là “…ngấn nước thủy triều thấp nhất dọc theo bờ biển, như được thể hiện trên các hải đồ tỷ lệ lớn đã được quốc gia ven biển chính thức công nhận”, trừ khi có quy định khác của Công ước.
Cách xác định:
Tại một thời điểm khi mực nước thủy triều xuống thấp nhất dọc bờ biển, các quốc gia ven biển có quyền lựa chọn để đánh dấu các điểm, tọa độ xác định dựa vào ngấn nước thủy triều thấp nhất tuyên bố đường cơ sở của mình.
Điều kiện áp dụng:
Phương pháp này áp dụng đối với các quốc gia có bờ biển thẳng, bằng phẳng, không có các đoạn lồi lõm ven bờ và ngấn nước thủy triều xuống thấp nhất được thể hiện rõ ràng.
Ưu điểm:  phản ánh đúng đắn hơn đường bờ biển thực tế của các quốc gia, hạn chế sự mở rộng các vùng biển thuộc quyền tài phán của họ
Hạn chế:
Các quốc gia ven biển sẽ có một vùng nội thủy rất hẹp.
Mức độ chính xác của các điểm, các tọa độ xác định dựa vào ngấn thủy triều sẽ không cao (vì khó tránh khỏi tình trạng các quốc gia đưa ra tuyên bố đường cơ sở thông thường không đúng thực tế nhằm mục đích mở rộng nội thủy của quốc gia)
Cộng đồng quốc tế sẽ khó khăn trong việc chứng minh tính xác thực của các điểm, các tọa độ mà quốc gia ven biển đã tuyên bố.
Vì vậy, trên thực tế, các quốc gia trên thế giới mặc dù có đầy đủ điều kiện và căn cứ được quy đinh trong Công ước 1982 nhưng hầu hết không muốn áp dụng hoàn toàn đường cơ sở theo phương pháp đường cơ sở thông thường này.
Phương pháp đường cơ sở thẳng
Đường cơ sở thẳng là đoạn thẳng “…nối liền các điểm thích hợp..” ở những nơi có “bờ biển bị khoét sâu và lồi lõm hoặc nếu có một chuỗi đảo nằm sát ngay và chạy dọc theo bờ biển” của một quốc gia ven biển. (cơ sở pháp lý: Khoản 1 Điều 7 Công ước 1982)
Cách xác định
Về mặt nguyên tắc, đường cơ sở ở phương pháp đường cơ sở thẳng này là đường thẳng gãy khúc nối các điểm nhô ra xa nhất của các đảo ven bờ, của các mũi, các đỉnh chạy dọc theo  chiều hướng chung của bờ biển lại với nhau để tạo thành đường cơ sở để tính chiều rộng của lãnh hải.
Tuy nhiên, trong các trường hợp nhất định, khi các quốc gia mà địa hình tự nhiên của bờ biển bị khoét sâu và lồi lõm hoặc nếu có một chuỗi đảo nằm sát và chạy dọc theo bờ biển thì quốc gia đó có thể vạch đến các đảo và các khu vực xung quanh mà quốc gia đã khai thác và sử dụng trong một quá trình lịch sử lâu dài nhưng không có sự phản đối hoặc tranh chấp của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Nguyên tắc xác định đường cơ sở
Tuyến đường cơ sở không được đi chệch quá xa hướng chung của bờ biển (khoản 3 Điều 7) hoặc đường bao quanh chung của quần đảo.
Các đường cơ sở không được kéo đến hay xuất phát từ các bãi cạn lúc chìm lúc nổi trừ trường hợp ở đó có những đèn biển hoặc các thiết bị tương tự thường xuyên nhô lên mặt nước hoặc việc vạch các đường cơ sở thẳng đó đã được thừa nhận chung của cộng đồng quốc tế ( khoản 4 Điều 7).
Quốc gia áp dụng phương pháp đường cơ sở thẳng không được làm cho lãnh hải của một quốc gia khác bị tách rời với biển cả hay với một vùng đặc quyền kinh tế.
(Điều 7 Công ước 1982)
Điều kiện áp dụng
Ở nơi nào bờ biển bị khoét sâu, lồi lõm hoặc có một chuỗi đảo nằm sát và chạy dọc theo bờ biển.
Ở nơi nào biển cực kỳ không ổn định do có một châu thổ và những đặc điểm tự nhiên khác.
Cơ sở pháp lý: khoản 1, khoản 2 Điều 7 Công ước 1982.
Theo đó, bờ biển khoét sâu, lồi lõm phải thỏa các điều kiện:
Bờ biển bị khoét sâu, lồi lõm phải có ít nhất từ 3 vùng lõm sâu rõ rệt.
Các vùng lồi lõm này phải nằm cạnh nhau, không cách quá xa nhau.
Chiều sâu của từng vùng lõm đó tính từ đường cơ sở thẳng được đề nghị  phải lớn hơn một nửa chiều dài của đoạn đường cơ sở đó.
 “Chuỗi nằm sát và chạy dọc theo bờ biển” phải có ít nhất từ 3 đảo trở lên và phải thỏa mãn các điều kiên sau:
Điểm nằm gần bờ nhất của mỗi đảo trong chuỗi đảo cách đường bờ biển không quá 24 hải lí, cách bờ xa nhất không quá 48 hải lí.
Mỗi đảo trong chuỗi cách các đảo khác trong chuỗi khoảng cách không qúa 24 hải lí.
Chuỗi đảo phải chắn ít nhất 50% đường bờ biển liên quan.
Xác định đường cơ sở đối với quốc gia quần đảo
Xác định đường cơ sở
Vạch các đường cơ sở thẳng
 Nối liền các điểm ngoài cùng của các đảo xa nhất và các bãi đá lúc chìm lúc nổi của quần đảo.
Điều kiện:
Tuyến các đường cơ sở này bao lấy các đảo chủ yếu
 Xác lập 1 khu vực mà tỉ lệ diện tích nước so với đất, kể cả vành đai san hô, phải ở giữa tỉ lệ 1/1 và 9/1.
(Điều 47 CƯ 1982)
Đối với Việt Nam
Đã  tuyên bố về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải Việt Nam ngày 12/11/1982.
Là hệ thống đường cơ sở thẳng gãy khúc nối liền các đảo, mũi nhô ra xa nhất dọc theo bờ biển qua 11 điểm thành 10 đoạn thẳng xuất phát từ đường thẳng nối liền đảo Thổ Chu và đảo Poulo Wai(Campuchia).
Trong 11 điểm xác định chỉ có một điểm duy nhất chúng ta xác định theo phương pháp đường cơ sở thông thường, điểm A8 (mũi Đại Lãnh).
Đường cơ sở Việt Nam là đường cơ sở chưa hoàn chỉnh vì còn có 2 vị trí chưa xác định, đó là điểm số A0 trên vùng nước lịch sử Cộng hòa nhân dân Campuchia và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và phần còn lại là phần đảo Cồn Cỏ cho tơi hết vùng biển phía Bắc của Việt Nam. Điểm cuối cùng của đường cơ sở Việt Nam là điểm A11 (đảo Cồn Cỏ) nằm ở cửa vịnh Bắc Bộ.
Đường cơ sở áp dụng cho quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chưa được xác định. Theo Điều 4 Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đường cơ sở của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 12-11-1982 thì đường cơ sở áp dụng cho hai quần đảo này sẽ được quy định trong các văn bản sẽ ban hành sau. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có văn bản pháp luật nào xác định đường cơ sở chính xác cho hai quần đảo này.
Chế độ pháp lý của nội thủy
Nội thủy là một vùng biển gắn với đất liền, là một bộ phận của lãnh thổ quốc gia, tại đó quốc gia ven biển có chủ quyền hoàn toàn và tuyệt đối. Chủ quyền này bao trùm cả lớp nước biển, đáy biển, lòng đất dưới đáy biển và vùng trời trên nội thủy. Chính vì vậy, trong vùng nội thủy, quốc gia ven biển sẽ thực hiện đầy đủ quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp giống như trên đất liền.
Tàu quân sự và tàu nhà nước sử dụng vào mục đích phi thương mại muốn vào nội thủy quốc gia ven biển phải xin phép trước, trừ những trường hợp bất khả kháng như tàu gặp các sự cố nghiêm trọng về kỹ thuật không thể tiếp tục được hành trình hoặc các lý do về thiên tai (động đất, sóng thần, bão, lốc...), hoặc các lý do nhân đạo (như cứu người bị bệnh nan y, cứu tàu thuyền hoặc thủy đoàn của tàu khác gặp nạn trên biển..) thì chỉ cần thông báo trước khi vào nội thủy.
Tàu quân sự khi vào nội thủy của quốc gia ven biển phải tuân thủ chế độ pháp lý chặt chẽ hơn so với tàu dân sự vì liên quan tới các vấn đề như an ninh, quốc phòng, chủ quyền quốc gia ven biển... Chính vì vậy, các quy định về thủ tục ra vào, hoạt động trong nội thủy đối với loại tàu này chặt chẽ và nghiêm ngặt hơn các quy định đối với tàu dân sự.
Đặc biệt, đối với các tàu Citec, tàu có động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân và các tàu chở các chất hay các nguyên liệu phóng xạ hoặc các chất khác vốn nguy hiểm hay độc hại có thể bị bắt buộc đi theo tuyến đường nhất định nhằm bảo đảm an toàn và phòng tránh các sự cố hàng hải gây nguy hiểm cho quốc gia ven biển trong vùng nội thủy. Đối với tàu ngầm (kể cả tàu quân sự và tàu dân sự) khi vào nội thủy của quốc gia ven biển phải vận hành ở tư thế nổi, phải mang cờ mà tàu mang quốc tịch và phải chấp hành nghiêm các quy định của nước sở tại.
Tàu quân sự khi vào nội thủy của quốc gia ven biển phải tuân thủ chế độ pháp lý chặt chẽ hơn so với tàu dân sự vì liên quan tới các vấn đề như an ninh, quốc phòng, chủ quyền quốc gia ven biển... Chính vì vậy, các quy định về thủ tục ra vào, hoạt động trong nội thủy đối với loại tàu này chặt chẽ và nghiêm ngặt hơn các quy định đối với tàu dân sự.
Đối với tàu dân sự, về nguyên tắc, tất cả những quy định về thủ tục, điều kiện ra vào, hoạt động trong vùng nội thủy quốc gia ven biển đối với tàu quân sự cũng được áp dụng đối với tàu dân sự. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu và lợi ích về kinh tế, thương mại cũng như tự do hàng hải, pháp luật của tất cả các quốc gia đều quy định và tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng cho tàu thuyền dân sự nước ngoài ra vào một số cảng của quốc gia ven biển (có quốc gia công bố số cảng mà tàu thuyền dân sự được phép ra vào, có quốc gia công bố một số cảng không cho phép các tàu thuyền đó ra vào)[1]. Chính vì vậy, pháp luật của các quốc gia thường cho phép các tàu dân sự nước ngoài ra vào các cảng biển quốc tế trên cơ sở tự do thông thương và có đi có lại. Mặt khác, trình tự, thủ tục ra vào và hoạt động của tàu dân sự nước ngoài trong vùng nội thủy quốc gia ven biển sẽ được quy định đơn giản và linh hoạt hơn so với các quy định dành cho tàu quân sự.
Quyền tài phán của quốc gia ven biển trong nội thủy:
Đối với tàu quân sự (bao gồm cả tàu Nhà nước sử dụng vào mục đích phi thương mại)
 Các tàu thuyền quân sự thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của quốc gia đó giao phó. Thành viên (thủy thủ đoàn) của tàu quân sự cũng chính là những công dân mang quốc tịch của quốc gia mà tàu mang cờ. Chính vì vậy, khi hoạt động ở bất cứ vùng biển nào kể cả các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của quốc gia khác hay vùng biển quốc tế, tàu quân sự nước ngoài sẽ được hưởng quyền miễn trừ tuyệt đối, và bất khả xâm phạm.
Trong trường hợp tàu quân sự nước ngoài có hành vi vi phạm pháp luật của quốc gia ven biển thì quốc gia ven biển có quyền:
Yêu cầu tàu đó ra khỏi vùng nội thủy trong một thời gian nhất định (có thể thông báo cho tàu đó biết quyết định của quốc gia chủ nhà bằng miệng hoặc bằng văn bản);
Yêu cầu quốc gia mà tàu đó mang quốc tịch phải áp dụng chế tài nghêm khắc đối với thủy thủ đoàn vi phạm;
Yêu cầu quốc gia có tàu phải bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm của tàu đó gây ra trong nội thủy của quốc gia ven biển.
Tuy nhiên thẩm quyền tài phán hình sự của quốc gia ven biển sẽ được áp dụng trọng một số trường hợp đăc biệt.
Đối với tàu dân sự
* Quyền tài phán dân sự
Về nguyên tắc, đối với tàu dân sự, luật điều chỉnh là luật của quốc gia mà tàu mang cờ. Chính vì vậy, các Tòa án của quốc gia ven biển không có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp dân sự xảy ra giữa các thành viên của thủy thủ đoàn với các công dân nước ngoài không thuộc thủy thủ đoàn trên tàu mà vụ việc sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của quốc gia tàu mang quốc tịch.
* Quyền tài phán hình sự
 Tàu dân sự nước ngoài khi hoạt động trong nội thủy của quốc gia ven biển sẽ không được hưởng quyền miễn trừ như tàu quân sự. Bởi lẽ, tàu dân sự là những chiếc tàu do tư nhân, pháp nhân làm chủ hoặc là tàu nhà nước sử dụng vào mục đích thương mại như vận tải, buôn bán nhằm mục đích kiếm lãi. Chính vì vậy, theo luật quốc tế, quốc gia ven biển sẽ có thẩm quyền xét xử đối với các vụ vi phạm pháp luật hình sự xảy ra trong tàu dân sự nước ngoài đang hoạt động trong vùng nội thủy quốc gia ven biển. Theo đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền của quốc gia ven biển có quyền khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử các cá nhân có hành vi phạm tội trên tàu. Tuy nhiên, thông thường các quốc gia ven biển không quan tâm đến các vi phạm pháp luật chung nếu an ninh, trật tự trong cảng không bị tổn hại.
 
 
Blogger Templates