Mục đích của thủ tục
đăng ký/thẩm tra để cấp giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) theo pháp luật đầu tư là
để làm gì?. Câu hỏi này không phải được đặt ra ngày hôm nay mà ngay từ những
ngày LĐT 2005 còn là dự thảo. Tuy nhiên, nó chưa bao giờ được trả lời thỏa
đáng.
Khi cơ sở lý luận cho việc ra đời yêu cầu đăng ký/thẩm tra
đầu tư chưa được chính thức giải thích thì không còn cách nào khác là phải
xét đến thực tế triển khai yêu cầu này và hệ quả của nó để hiểu bản chất và
qua đó tìm câu trả lời sự cần thiết của yêu cầu về đăng ký/thẩm tra một dự án
đầu tư (DAĐT)
1. Đăng ký DAĐT giúp tiền kiểm?
Khi tham chiếu LĐT và các văn bản hướng dẫn của nó, mục
đích dễ thấy của yêu cầu đăng ký DAĐT là để kiểm tra, soát xét tính hợp pháp
của hoạt động kinh doanh của nhà đầu tư tại thời điểm cấp phép. Dường như, cơ
quan quản lý nhà nước muốn biết xem nhà đầu tư sẽ kinh doanh gì, ở đâu, nhà đầu
tư thực sự có năng lực và việc kinh doanh có khả thi hay không?
Theo đó, đối với mỗi mức vốn đầu tư nhất định hoặc lĩnh vực
đầu tư/kinh doanh nhất định sẽ có những yêu cầu cụ thể về hồ sơ phải nộp cho
cơ quan cấp phép. Đơn giản thì là bản đăng ký đầu tư, hợp đồng liên doanh hay
hợp đồng BCC và báo cáo năng lực tài chính. Phức tạp hơn thì ngoài những tài
liệu trên, nhà đầu tư phải nộp thêm giải trình kinh tế - kỹ thuật (báo cáo tiền
khả thi) và giải trình khả năng đáp ứng điều kiện tham gia thị trường.
Khi đăng ký đầu tư, nhà đầu tư phải giải trình về mục tiêu,
quy mô và địa điểm thực hiện dự án đầu tư, tiến độ thực hiện dự án, nhu cầu sử
dụng đất... Đối với các dự án đầu tư vào lĩnh vực sản xuất hay bất động sản
thì các yêu cầu giải trình này là có thể đáp ứng.
Tuy nhiên, nếu áp dụng với lĩnh vực dịch vụ thì việc giải
trình là không thể. Cụ thể với một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ như tư vấn,
kế toán hay xây dựng thì khó có thể giải trình về mục tiêu, quy mô, địa điểm,
tiến độ thực hiện dự án của mình vì đơn giản nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực
dịch vụ không có một dự án cụ thể nào theo cách hiểu ở trên.
Vì thế, việc giải trình những nội dung trên chỉ là việc “vận
dụng” ngôn từ hay “xào nấu” con số sao cho thuyết phục được cơ quan cấp phép.
Ngoài ra, trên thực tế ngay cả đối với dự án có những thông tin ban đầu để kê
khai thì khi thực hiện dự án đầu tư, luôn có những thay đổi khác biệt so với
ước tính kê khai ban đầu.
Về vấn đề năng lực tài chính, yêu cầu này được cụ thể hóa bằng
việc nhà đầu tư phải nộp báo cáo tài chính của mình hay xác nhận số dư tài
khoản ngân hàng hay cam kết cho vay của một bên thứ ba. Ai cũng biết những
yêu cầu kiểu này chỉ mang tính hình thức, sao cho vui lòng cơ quan cấp phép.
Không có bất kỳ một cơ chế nào bảo đảm rằng những đồng tiền cam kết nói trên
sẽ đưa vào dự án. Cụ thể là chúng ta luôn thấy khoảng cách giữa vốn đăng ký
và vốn giải ngân vào DAĐT tại Việt Nam.
Còn về báo cáo tiền khả thi, giải trình điều kiện đáp ứng
thị trường, những yêu cầu này vừa chồng lấn với pháp luật chuyên ngành vừa mơ
hồ. Một mặt, các yêu cầu về môi trường, chứng chỉ hành nghề, thỏa mãn điều kiện
kinh doanh đặc biệt nào đó đã được quy định tại các luật chuyên ngành, nhà đầu
tư trước khi thực hiện việc đầu tư/kinh doanh đều phải thỏa mãn. Mặt khác,
không hiểu cơ quan cấp phép có khả năng gì để có thể đánh giá được tính khả
thi của một dự án kinh doanh hay nhu cầu thị trường.
Mở rộng vấn đề này, không hiểu cơ quan cấp phép cần đánh
giá tính khả thi của một dự án đầu tư tư nhân để làm gì? Việc cơ quan cấp
phép cần làm, có lẽ, đó là đánh giá tính khả thi của dự án có sử dụng ngân
sách nhà nước mà thôi. Đối với những dự án “xí chỗ” hiện nay thì cơ chế bảo đảm
hiệu quả nhất là khoản tiền đặt cọc về đất chứ không phải dạng báo cáo năng lực
tài chính... khi đăng ký DAĐT.
2. Giúp hậu kiểm?
LĐT quy định rằng nếu một dự án được cấp GCNĐT sau 12 tháng
mà nhà đầu tư không triển khai hoặc không có khả năng thực hiện theo tiến độ
đã cam kết và không có lý do chính đáng thì bị thu hồi GCNĐT. Như vậy liệu việc
đăng ký DAĐT có giúp cơ quan cấp phép thực thi quyền hậu kiểm?
Lại một lần nữa, câu trả lời là không có cơ sở rõ ràng. Thực
tế là một số tỉnh đã và đang thực hiện thủ tục thu hồi cấp GCNĐT nhưng chúng
ta thử thống kê xem có dự án nào đã bị thu hồi mà không liên quan đến việc sử
dụng đất.
Nói cách khác, các dự án bị thu hồi đều liên quan đến việc
lãng phí đất. Việc thu hồi DAĐT theo LĐT, về thực chất chỉ là việc thu hồi đất
khi dự án đầu tư vi phạm thời hạn sử dụng đất là 12 tháng như đã được quy định
tại Luật Đất đai 2003 mà thôi. Đối với các DAĐT không sử dụng đất thì cơ quan
nhà nước sẽ thực tế thu hồi cái gì?
3. Giúp ghi nhận việc chuyển nhượng
tài sản?
Luật đầu tư quy định về thủ tục chuyển nhượng DAĐT. Nhìn từ
góc độ này thì thấy dường như việc cấp GCNĐT có thể được xem như là việc thừa
nhận một tài sản và khi các bên chuyển nhượng tài sản này, thông qua việc điều
chỉnh GCNĐT, cơ quan cấp phép thực thi quyền chấp thuận việc chuyển nhượng.
Như vậy thì có thể hiểu ít nhất quy trình đăng ký DAĐT cũng có giá trị thừa
nhận tài sản của một chủ thể (chủ đầu tư).
Tuy nhiên, nếu nhìn vấn đề ở góc độ rộng hơn thì cơ quan
làm luật phải giải trình lý do gì mà cơ quan cấp phép phải can thiệp vào việc
chuyển nhượng tài sản thương mại giữa các bên (tư nhân)? Nhìn từ góc độ
thương mại thuần túy thì việc chuyển nhượng một tài sản là quyền của các bên.
Cơ quan nhà nước nếu có quan tâm thì chỉ cần quan tâm đến khía cạnh thuế cho
phần lợi nhuận phát sinh của bên chuyển nhượng mà thôi.
Thông qua việc chấp thuận chuyển nhượng DAĐT nói trên cơ
quan nhà nước có thể hạn chế việc thất thoát tài sản của Nhà nước. Đây là lý
do hợp lý cho sự can thiệp vào các giao dịch có liên quan đến tài sản nhà nước.
Tuy nhiên, nó không phải là lý do cho sự can thiệp vào giao dịch của khối tư
nhân.
4. Là cơ sở để hưởng ưu đãi đầu tư?
Một chức năng rõ ràng của GCNĐT hiện thời là ghi nhận các
ưu đãi đầu tư mà chủ sở hữu được hưởng, ví dụ như ưu đãi thuế, tiền thuê đất...
Tuy nhiên, phải lưu ý rằng việc ghi nhận ưu đãi đầu tư khác với yêu cầu đăng
ký DAĐT. Khi nhà đầu tư chứng minh rằng mình đủ điều kiện được hưởng ưu đãi đầu
tư thì Nhà nước có nghĩa vụ ghi nhận quyền này của nhà đầu tư. Đây là cách tiếp
cận của các luật đầu tư cũ. Nhà đầu tư đủ điều kiện hưởng ưu đãi thì được cấp
giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư. Còn việc đăng ký DAĐT, như trên đã nói, dường
như đó là yêu cầu của luật đặt ra thêm cho nhà đầu tư nhằm mục đích “quản lý”
mà không liên quan gì đến việc cấp ưu đãi đầu tư cả.
Tựu trung lại, dường như những mục đích của yêu cầu đăng ký
DAĐT của LĐT đều không đạt được. Phần vì nó nửa vời, không có mục đích cụ thể
nào. Phần vì chồng lấn với các yêu cầu của các luật khác. Phần khác là nó nhập
nhằng giữa yêu cầu quản lý tài sản công và tài sản tư.
Cuối cùng, nếu nhìn lại, các luật đầu tư cũ đều không yêu cầu
đăng ký DAĐT. DAĐT trong nước hiện thời mà có phần vốn nhỏ hơn 15 tỉ đồng
cũng không cần phải đăng ký. Nhìn sang các lĩnh vực kinh doanh khác như hàng
không, chứng khoán, ngân hàng... thì việc đầu tư vào các lĩnh vực này, dù
chúng có tầm ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với phần lớn các lĩnh vực đầu tư theo
LĐT, cũng không cần phải đăng ký cấp GCNĐT. Hiện tại chưa có báo cáo nào cho
thấy rằng việc không có yêu cầu về đăng ký DAĐT trong các trường hợp trên đã
mang đến hậu quả đáng tiếc nào.
Vậy, có lẽ đã đến lúc chúng ta cần đánh giá lại một cách
nghiêm túc về mục đích của yêu cầu đăng ký/thẩm tra một DAĐT để đạt được mục
tiêu chính là khuyến khích hoạt động kinh doanh, đầu tư.
5. Dự án đầu tư - những cách hiểu rắc
rối
Một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại tỉnh V mong
muốn chuyển nhượng toàn bộ vốn góp cho một NĐT nước ngoài, đã nộp hồ sơ đăng
ký chuyển nhượng vốn theo Nghị định 108 và Quyết định 1088. Tuy nhiên, hồ sơ
không được chấp thuận và cơ quan đăng ký đầu tư hướng dẫn phải lập dự án cho
việc chuyển nhượng vốn theo hình thức “mua bán và sáp nhập” vì cho rằng mua vốn
góp cũng là một dự án và phải lập dự án mới được cấp GCNĐT.
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài X mong muốn mở thêm
chi nhánh tại tỉnh khác cũng đã được yêu cầu phải tăng vốn đầu tư và vốn điều
lệ, vì cơ quan cấp phép cho rằng tổng vốn đầu tư của các dự án phải bằng với
tổng vốn của doanh nghiệp, cho dù doanh nghiệp đã có gắng chứng minh rằng nguồn
vốn cho dự án mới được lấy từ lợi nhuận giữ lại của doanh nghiệp và không cần
các thành viên phải góp thêm.
---------
Nguồn: TS. Ngô Quốc Vinh, Thời báo Kinh Tế Sài Gòn, tiêu đề
“Đăng ký dự án để làm gì?”, 2010.
|