Câu 12: Tôi đang cần tiền mua nhà nên muốn rút vốn đăng ký của doanh nghiệp
tư nhân do mình làm chủ thì có phải làm thủ tục gì hay không?
Trả lời:
Luật Doanh nghiệp 2014 quy định doanh nghiệp tư
nhân là loại hình doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng
toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Theo khoản 3 Điều 184 Luật
doanh nghiệp năm 2014, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền rút vốn đã đầu
tư vào doanh nghiệp tư nhân. Cụ thể luật quy định “trong quá trình hoạt động, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền
tăng hoặc giảm vốn đầu tư của mình vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Việc tăng hoặc giảm vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp phải được ghi chép đầy đủ
vào sổ kế toán. Trường hợp giảm vốn đầu tư xuống thấp hơn vốn đầu tư đã đăng ký
thì chủ doanh nghiệp tư nhân chỉ được giảm vốn sau khi đã đăng ký với Cơ quan
đăng ký kinh doanh.”
Như vậy, trường hợp bạn là chủ doanh nghiệp tư nhân thì bạn có quyền giảm vốn đăng ký của doanh nghiệp để
phục vụ mục đích cá nhân. Tuy nhiên, trước khi rút vốn bạn phải tiến hành thủ tục đăng ký giảm vốn tại Cơ quan đăng
ký kinh doanh và phải ghi chép đầy đủ vào sổ sách kế toán của doanh nghiệp.
Câu 13: Doanh nghiệp tư nhân có nhu cầu mở rộng phạm vi hoạt động kinh
doanh nên muốn thực hiện việc huy động thêm vốn của các cá nhân, tổ chức khác
thì có được hay không?
Trả lời:
Theo khoản 1 Điều 183 Luật doanh nghiệp 2014 quy định doanh
nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào để huy động vốn
đầu tư.
Tuy nhiên, trong trường hợp muốn phát triển hoạt động
kinh doanh của doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp có thể lựa chọn các hình thức là nhân
danh cá nhân hoặc doanh nghiệp tư nhân để huy động vốn từ bên ngoài (ngân hàng, người quen, đối tác kinh doanh…) để đầu tư vào doanh nghiệp hoặc kêu gọi các cá nhân, tổ chức
khác đầu tư vào doanh nghiệp nhưng bắt buộc doanh nghiệp phải chuyển đổi loại
hình từ doanh nghiệp tư nhân thành Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên
trở lên hoặc công ty cổ phần.
Câu 14: Chủ doanh nghiệp tư nhân có được thuê giám đốc để quản lý doanh
nghiệp?
Trả lời:
Khoản 2 Điều 185 Luật doanh nghiệp 2014 quy định“Chủ doanh nghiệp tư nhân có thể trực tiếp
hoặc thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh. Trường hợp thuê
người khác làm Giám đốc quản lý doanh nghiệp thì vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi
hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”. Theo quy định nêu trên, bạn là chủ
sở hữu doanh nghiệp tư nhân nên có quyền thuê một người khác quản lý, điều hành
hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần lưu ý mặc dù thuê người
khác làm Giám đốc điều hành doanh nghiệp nhưng chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải
chịu trách nhiệm về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Mối quan hệ giữa chủ doanh nghiệp tư nhân và giám đốc là
mối quan hệ ủy quyền để giám đốc thay mặt chủ doanh nghiệp thực hiện chức năng,
nhiệm vụ quản lý và điều hành hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trường hợp
giám đốc doanh nghiệp thực hiện công việc trái hoặc vượt quá phạm vi công việc
đã được chủ doanh nghiệp ủy quyền mà gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại
do hành vi làm trái hoặc vượt quá phạm vi ủy quyền gây ra.
Câu 15: Giám đốc doanh nghiệp tư nhân có quyền quyết định mọi vấn đề liên
quan đến hoạt động của doanh nghiệp tư nhân không?
Trả lời:
Giám đốc doanh nghiệp tư nhân có quyền quyết định mọi
hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nếu chủ doanh nghiệp tư nhân đồng thời
làm giám đốc doanh nghiệp tư nhân. Căn cứ khoản 1 Điều 185 Luật doanh nghiệp
2014 quy định “Chủ doanh nghiệp tư nhân
có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp,
việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính
khác theo quy định của pháp luật”. Trường hợp Giám đốc được chủ doanh nghiệp
tư nhân thuê thì Giám đốc vẫn được quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến hoạt
động kinh doanh của doanh nghiệp nếu được chủ doanh nghiệp ủy quyền toàn quyền
quyết định mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Trường
hợp Giám đốc chỉ được chủ doanh nghiệp ủy quyền thực hiện một phần chức năng,
nhiệm vụ quản lý và điều hành hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thì chỉ được
thực hiện công việc trong phạm vi đã được ủy quyền. Giám đốc thực hiện trái hoặc
vượt quá phạm vi công việc đã được chủ doanh nghiệp ủy quyền mà gây thiệt hại
thì phải bồi thường thiệt hại do hành vi làm trái hoặc vượt quá phạm vi ủy quyền
đó gây ra.
Luật gia Võ Văn Tú
Văn phòng Luật sư Lê Nguyễn
Xem thêm: Tổng hợp câu hỏi về doanh nghiệp tư nhân