1. Xác định quan hệ hợp đồng:
Trước
hết, phải xác định hợp đồng tranh chấp có phải là hợp đồng kinh doanh, thương mại
hay không? Hợp đồng kinh doanh, thương mại có đặc điểm là một hoặc tất cả các
chủ thể xác lập quan hệ có đăng ký kinh doanh và các bên thực hiện hợp đồng nhằm
mục đích lợi nhuận. Tiếp theo là xác định quan hệ pháp luật tranh chấp giữa các
bên phát sinh từ loại hợp đồng nào, ví dụ: hợp đồng mua bán, hợp đồng ủy thác, hợp
đồng dịch vụ, hợp đồng vận chuyển, hợp đồng đại lý hay hợp đồng cho thuê hàng
hóa…
2. Đánh giá tính hiệu lực của hợp đồng:
Trong
quá trình tố tụng, nếu hợp đồng ký kết hoàn toàn hợp pháp thì các thỏa thuận
trong hợp đồng được pháp luật bảo vệ, nếu hợp đồng bị vô hiệu thì Cơ quan giải
quyết tranh chấp sẽ giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu chứ không xem xét đến
việc giải quyết các yêu cầu cụ thể của các bên.
Để
đánh giá tính hiệu lực pháp luật của hợp đồng, phải viện dẫn các quy định của BLDS
năm 2015 tại Điều 117, Điều 122, Điều 123, Điều 124, Điều 126, Điều 127, Điều
128, Điều 129, Điều 407, Điều 408. Ngoài BLDS năm 2015, cần xem xét quan hệ
pháp luật tranh chấp có sự điều chỉnh của văn bản pháp luật đặc thù nào không?
Căn cứ các quy định pháp luật để nghiên cứu về tư cách chủ thể ký kết hợp đồng,
mục đích và nội dung hợp đồng có vi phạm điều cấm của pháp luật không, người ký
kết hợp đồng có tự nguyện không, quan hệ hợp đồng có xác lập một cách giả tạo
nhằm che giấu một giao dịch khác không, có bị nhầm lẫn về đối tượng của hợp đồng
hay không, có bị lừa dối đe dọa không… Kiểm tra về hình thức của hợp đồng xem có
thỏa mãn quy định của pháp luật về hình thức không, như buộc phải lập trình văn
bản, buộc phải đăng ký hay buộc phải có công chứng nhà nước v.v…
Để
xem xét tư cách chủ thể ký kết hợp đồng, cần phải kiểm tra các tài liệu như giấy
đăng ký kinh doanh, quyết định thành lập, quyết định bổ nhiệm; biên bản đầu chức
danh giám đốc, công văn trao đổi, hóa đơn chứng từ, biên bản giao nhận, giấy ủy
quyền ký kết hợp đồng…
3. Đánh giá nội dung tranh chấp và đưa ra hướng giải quyết:
Thực
tiễn, bên bị vi phạm hợp đồng luôn đòi hỏi việc phạt hợp đồng và đòi bồi thường
thiệt hại đối với hành vi vi phạm. Căn cứ việc đòi phạt hợp đồng và bồi thường
thiệt hại là thỏa thuận của các bên về chế tài khi có hành vi vi phạm hợp đồng.
Để
xác định được mức phạt mà khách hàng đưa ra được chấp nhận đến đâu, mức độ phạt
mà khả năng khách hàng của mình phải gánh chịu đến đâu thì phải nghiên cứu kĩ về
điều khoản phạt hợp đồng, xem xét mức độ phạt đó có phù hợp với quy định của
pháp luật hay không, căn cứ để phạt hợp đồng có hợp lí hay không, nỗ lực khắc
phục thiệt hại của bên bị vi phạm và bên vi phạm hợp đồng như thế nào… Không chỉ
đơn thuần dựa vào các quy định cụ thể trong hợp đồng mà còn phải dựa vào quá
trình thực hiện hợp đồng trên thực tế.
Cần
nghiên cứu các thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng về quyền và nghĩa vụ của các
bên bởi ngoài các quy định của pháp luật, sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng
nếu không trái pháp luật là căn cứ để giải quyết tranh chấp. Bên cạnh đó, không
nên chỉ nghiên cứu mỗi hợp đồng mà cần nghiên cứu các tài liệu khác liên quan tới
hợp đồng như biên bản giao nhận, hóa đơn bán hàng, các tài liệu khác về thực hiện
hợp đồng như công văn trao đổi, thông báo giao hàng, văn bản đòi nợ, văn bản
khiếu nại chất lượng hàng hóa, biên bản giám định… Khi nghiên cứu cần sự đối
chiếu giữa các nội dung của hợp đồng với các tài liệu thể hiện quá trình thực
hiện hợp đồng để tìm ra sự tương thích, sự phù hợp giữa thỏa thuận với việc thực
hiện. Lưu ý việc trao đổi thương lượng của các bên về việc thực hiện các nghĩa
vụ được coi như những thỏa thuận mới, khi đó thỏa thuận cũ trong hợp đồng không
còn hiệu lực, vì vậy không nên cứng nhắc chỉ bám vào các thỏa thuận có sẵn
trong hợp đồng.
Ngoài
ra, cần tìm kiếm những thỏa thuận lỏng lẻo, chưa rõ ràng trong hợp đồng để gỡ lỗi
cho khách hàng của mình. Quá trình thực hiện hợp đồng như thế nào? Ai vi phạm hợp
đồng? Mức độ vi phạm như thế nào? Nguyên nhân dẫn đến vi phạm? Thiện chí thực
hiện hợp đồng của các bên?.