Giải đáp thắc mắc của Quý Anh/chị có địa chỉ email ngtan******@gmail.com gửi tôi ngày 22/5/2017. Hỏi:
"Em tôi đã làm một hợp đồng góp vốn
kinh doanh với ông A để thành lập một Doanh nghiệp tư nhân với số tiền góp của
mỗi người là 100 triệu đồng. Tuy nhiên người em của tôi không đứng tên chủ
Doanh nghiệp tư nhân mà ông A mới là người đứng tên chủ Doanh nghiệp. Sau một
thời gian kinh doanh ông A đã tự ý làm đơn đề nghị giải thể Doanh nghiệp tư
nhân đó mà không có sự đồng ý của em tôi. Hậu quả là Doanh nghiệp đã được giải
thể. Tôi muốn hỏi 3 vấn đề sau:
1.Hợp đồng góp vốn giữa em tôi với
ông A có phải là hợp đồng vô hiệu không?
2.Ông A làm như vậy có đúng
không khi ông ta tự ý quyết định một mình trong việc giải thể Doanh nghiệp?
3.Em tôi có được quyền đòi lại số
tiền góp vốn ban đầu là 100 triệu đồng không?
Rất mong sự giải đáp của luật sư
về 3 vấn đề trên. Tôi xin thành thật cám ơn luật sư."
Trả lời:
Liên quan tới các vấn đề của Quý A/C đang thắc mắc, tôi xin trả lời như
sau:
Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) như sau:
DNTN là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ là tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ
tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp (khoản 1 Điều 183); Chủ
doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh
doanh của doanh nghiệp, việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã nộp thuế và thực hiện
các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật (Khoản 1 Điều 185). Như
vậy, DNTN chỉ do một cá nhân làm chủ và có quyền tự quyết mọi vấn đề liên quan
đến hoạt động kinh doanh, trong đó có việc quyết định giải thể DNTN. Theo thông
tin mà Quý A/C cung cấp, ông A là người đứng tên chủ DNTN nên ông A có quyền tự
quyết định thực hiện thủ tục giải thể DNTN này, hành vi của ông A không vi phạm
quy định pháp luật doanh nghiệp.
Về tính pháp lý của hợp đồng góp vốn mà em của Quý A/C (sau đây tạm gọi
là anh B) đã ký với ông A, Điều 117 BLDS 2015 quy định giao dịch dân sự có hiệu
lực khi đủ các điều kiện sau đây:
- Chủ thể tham gia giao dịch có năng lực pháp luật dân sự và năng lực
hành vi dân sự;
- Chủ thể tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện;
- Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm pháp
luật, không trái đạo đức xã hội.
- Tuân thủ hình thức giao dịch dân sự nếu pháp luật có quy định.
Như vậy, để xem xét một Hợp đồng vô hiệu hay có hiệu lực thì phải xem
xét một cách toàn diện và chi tiết tất cả các yếu tố nêu trên. Nếu được, đề nghị
Quý A/C cung cấp nội dung Hợp đồng (bản chụp, scan) cho tôi qua email để tôi tiện
xem xét và có ý kiến. Tôi cam kết giữ bí mật thông tin liên quan đến vụ việc của
Quý A/C.
Anh B có quyền khởi kiện tại Tòa án để đòi lại số tiền 100 triệu đồng
đã góp vốn cho ông A nếu có căn cứ cho thấy việc ký kết thực hiện Hợp đồng góp
vốn nêu trên là có thật và hành vi của ông A đã gây thiệt hại cho quyền và lợi
ích hợp pháp của anh B. Cụ thể, Điều 186 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình
hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là
người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp
pháp của mình”. Sau khi thu thập đủ các tài liệu chứng cứ, anh B có thể làm
đơn khởi kiện gửi đến Tòa án để yêu cầu giải quyết. Việc giải quyết tranh chấp
tại Tòa án tuân thủ theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Trên đây là toàn bộ giải đáp của tôi về các vấn đề thắc mắc của Quý
A/C. Nếu có thêm bất kỳ vấn đề nào chưa rõ, Quý A/C vui lòng liên hệ tôi qua
email hoặc trực tiếp qua số điện thoại của tôi để được hỗ trợ.
Trân trọng.
Lg. Võ Văn Tú